Tại TP.HCM, không khí Tết nửa năm có nhiều hoạt động nhộn nhịp. Bên cạnh hình ảnh “người mua kẻ bán” bánh ú lá tre, cơm rượu thì còn nhiều điều thú vị khác.
Người Hoa ở Chợ Lớn và những chiếc túi thơm
Treo túi thơm ngày Tết Đoan Ngọ là phong tục xưa của cộng đồng Người Hoa tại Chợ Lớn (quận 5, quận 11,... ). Trước đây, có một thời gian, theo nhịp sống phát triển, treo túi thơm không “thịnh hành” nên ít người biết đến.
Những bạn trẻ bán túi thơm gây quỹ ở Hội Quán Ôn Lăng (quận 5, TP.HCM). |
Tết Đoan Ngọ năm nay, thông qua hoạt động gây quỹ vì người nghèo của một nhóm bạn trẻ bán những chiếc túi thơm ở Hội quán Ôn Lăng (quận 5, TP.HCM), người dân TP.HCM mới được dịp biết đến văn hóa treo túi thơm - một phần văn hóa Tết Đoan Ngọ của người Sài Gòn. Túi thơm có giá dao động từ 40.000 - 60.000 đồng.
Bên cạnh đó, một số khoa ngoại ngữ ở các trường Đại học cũng dần treo túi thơm ngày Tết Đoan Ngọ cho sinh viên biết đến nét văn hóa này.
Sinh viên khoa tiếng Trung trường ĐH Văn Lang được hướng dẫn làm túi thơm ngày Tết Đoan Ngọ. |
Theo truyền thống của người Hoa, túi thơm là một “lễ vật” của Tết Đoan Ngọ. Những chiếc túi nhỏ với nhiều hình dáng như bánh ú, trái lựu, trái tim, quả cầu,… tỏa ra mùi thơm thoang thoảng của các loại thảo dược như thạch xương bồ, lá ngải,…
Túi thơm quan trọng trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi ngoài là vật trang sức xinh xắn, nó còn giúp bảo vệ người mang túi khỏi sự tấn công của các loài côn trùng, sâu bọ, nhất là trẻ em. Khi nền y học chưa phát triển, chiếc túi thơm đã phát huy hết tác dụng của mình và trở thành một nét văn hóa truyền thống trong hơn ngàn năm qua.
Các túi thơm bày bán đều được làm thủ công. |
Treo lá ngải cứu, xương rồng trước cửa nhà để trừ tà
Theo phong tục của người Sài Gòn xưa, Tết Đoan Ngọ là một trong chín ngày độc của tháng 5 âm lịch. Đây là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi nên sức khỏe dễ ảnh hưởng, hao tổn nguyên khí.
Lá ngải cứu, xương rồng theo quan niệm dân gian có khả năng trừ tà, xua đuổi xui xẻo để đón mùa vụ mới. |
Dịp này, treo một nắm lá ngải cứu hoặc nhánh xương rồng phía trên cửa ra vào để ngăn chặn tà khí đi vào nhà sẽ tránh đau ốm và trừ tà. Ngày nay nhiều gia đình vẫn giữ phong tục này.
Từ sáng sớm, người dân đã bày bán đồ cúng Tết Đoan Ngọ trên đường phố. |
Tại một số chợ truyền thống năm nay, xương rồng cũng như lá ngải cứu cũng được bày bán và trở nên đắt hàng vào sáng Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ mở đầu cho vụ mùa mới
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “diệt sâu bọ”.
Nếu như Tết Nguyên Đán là lễ quan trọng nhất mở đầu cho một năm thì Tết Đoan Ngọ sẽ mở đầu cho một mùa vụ. Trong tâm thức của người Việt, Tết Đoan Ngọ chỉ đứng thứ hai sau Tết Nguyên đán.
Đoan Ngọ còn có thể được hiểu là ngày mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm. “Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” tức chỉ giờ ngọ, khoảng thời gian nóng nhất trong ngày từ 11 giờ đến 13 giờ. Vì thế, ăn Tết Đoan Ngọ sẽ thực hiện vào buổi trưa.