Đó là một trong những nội dung tại hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh” diễn ra ngày 11-10 tại Hải Phòng.
Tham dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế liên quan, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hải và hàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình biển Đông.
Hội thảo cũng đánh giá các vi phạm ở biển Đông đã được Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết vào ngày 12-7-2016, trong đó nhấn mạnh đến các hoạt động hủy hoại môi trường và nguồn lợi đa dạng sinh học biển, xâm phạm quyền tự do hàng hải.
Khẳng định biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cũng đánh giá biển Đông đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng tăng về suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên biển, về an toàn tự do hàng hải và hàng không liên quan đến cách ứng xử của con người.
Với ba chủ đề chính: An ninh môi trường biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài; an ninh hàng hải và hàng không ở biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài và các sáng kiến, giải pháp vì một biển Đông xanh, hội thảo đã lắng nghe các tham luận quan trọng từ các học giả lớn của thế giới như: Các tác động môi trường ở biển Đông từ góc độ thực trạng thực tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Hague của GS-TS John W. McManus, Trường Rosenstiel, ĐH Tổng hợp Miami (Mỹ), “Các sáng kiến quản trị đại dương hòa bình và bền vững ở Đông Nam Á và Nhật Bản: Bài học nào cho biển Đông?” của TS Masanori Muto, đại diện Viện Nghiên cứu Mitsubishi và ĐH Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản, cùng nhiều chuyên đề khác...