Người kể chuyện tình, chủ đề nhạc sĩ Lê Uyên Phương (nghệ danh của nhạc sĩ Lê Văn Lộc), Thái Châu tiết lộ những tác phẩm của Lê Uyên Phương mang tính đặc thù riêng như ca từ đẹp và những đoạn melody thử thách ca sĩ.
Hầu hết các sáng tác của Lê Uyên Phương là viết về cuộc tình của chính ông với người vợ Lâm Phúc Anh, về những trăn trở và lo lắng cho cuộc sống hai người.
Danh ca Thái Châu.
Bất cứ bài hát nào anh Lê Uyên Phương cũng cho vào những nốt đặc thù như thăng, nốt giáng, ca sĩ thể hiện đến đoạn đó phải cố gắng hát đúng nốt, giữ cảm xúc của nhạc sĩ, lẫn tinh thần bài hát xuyên suốt.
Đây là thử thách đặt ra cho bất cứ ai thể hiện dòng nhạc của Lê Uyên Phương. Ngoài ra, các bài hát hầu như đều về chuyện tình Lê Uyên Phương.
Thái Châu thú nhận anh tuy nghe nhiều ca khúc của Lê Uyên Phương nhưng chưa bao giờ dám “chạm” đến nhạc của ông vì sợ không làm hài lòng nhạc sĩ và không chuyển tải đúng bài hát với khán giả về dòng nhạc Lê Uyên Phương.
Ca sĩ Bảo Đăng.
Vì thế, trong Người kể chuyện tình tập 7, anh hạnh phúc khi được nghe các ca sĩ trẻ thể hiện những tình khúc nổi tiếng Lê Uyên Phương với sự đầu tư, nghiên cứu về dòng nhạc có tính đặc biệt này.
Thái Châu thổ lộ lý do đặc biệt không dám hát nhạc của Lê Uyên Phương. Nguồn: JET
Lê Uyên Phương sinh ngày 2-7-1941, tại Đà Lạt. Tên khai sinh của ông là Lê Văn Lộc. Trước đó cha mẹ ông đặt là Lê Minh Lập nhưng do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch mà trở thành Lê Minh Lộc.
Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác năm 1960 với ca khúc đầu tiên mang tên Buồn đến bao giờ, được viết tại Pleiku, khi ông dạy học tại đó và ký tên là Lê Uyên Phương.
Bút danh này được ông lấy chữ lót tên mẹ, ghép với tên người tình đầu tiên là Uyên mà thành. Tuy nhiên, vợ ông, ca sĩ Lê Uyên tiết lộ “Uyên” là tên một người họ hàng mà người nhạc sĩ yêu quý, không phải tên của cô gái là mối tình đầu của ông.
Ca sĩ Châu Ngọc Hiếu.
Châu Ngọc Hiếu hóa thân thành Lê Uyên Phương, thời điểm người nhạc sĩ dạy môn Triết tại Đà Lạt và được cô nữ sinh Lâm Phúc Anh (ca sĩ Lê Uyên sau này) thầm thương trộm nhớ.
Dù cách nhau 11 tuổi nhưng họ trở thành người trong mộng và chia sẻ nhiều niềm vui nỗi buồn. Châu Ngọc Hiếu thể hiện ca khúc Tình khúc cho em cùng phần trợ diễn của ca sĩ Duyên Quỳnh.
Ca sĩ Bảo Đăng sẽ hóa thân thành người nhạc sĩ đang say đắm trong tình yêu trình diễn sáng tác nổi tiếng Buồn đến bao giờ.
Anh kết hợp cùng ca sĩ Duyên Quỳnh hóa thân đôi tình nhân giữa phố trời Đà Lạt, nhớ về cuộc hạnh ngộ đầu tiên của cô tiểu thư gốc Hoa với chàng nhạc sĩ.
Buồn đến bao giờ là bài hát đầu tay của Lê Uyên Phương viết giữa sương khói cao nguyên Pleiku, khi ông tiếc nhớ về cuộc tình đầu.
Ca sĩ Kiều Oanh.
Thời yêu nhau, chuyện tình Lê Uyên Phương nồng nàn, cuồng say đến từng phút, từng giây. Tuy nhiên, vì căn bệnh ung thư xương mà Lê Uyên Phương mắc phải, gia đình Phúc Anh không chấp nhận cho con gái đến với một người mang bệnh hiểm nghèo, chuyện tình của họ bị cấm đoán.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương (phải).
Ở Sài Gòn, Phúc Anh đau đớn tột cùng để chứng minh tình yêu đích thực, cô từng dùng tới thuốc ngủ để được “chết” vì yêu.
Mối tình sâu đậm vượt mọi thử thách đó sẽ được Nguyễn Kiều Oanh tái hiện, khi hóa thân cô nàng Phúc Anh, trong tiết mục Dạ khúc cho tình nhân.
Những sáng tác của Lê Uyên Phương lúc phiêu diêu, nồng nàn, thiết tha nhưng cũng có khi nức nở, đớn đau.
Ba màn trình diễn của Bảo Đăng, Châu Ngọc Hiếu và Nguyễn Kiều Oanh hứa hẹn sẽ mang đến một đêm thi đầy cảm xúc, tái hiện câu chuyện tình ngọt ngào, lãng mạn nhưng nhiều gập ghềnh, trắc trở của bộ đôi Lê Uyên và Phương.
Trailer Người kể chuyện tình tập 7. Nguồn: JET