Theo ông Dương Ngọc Hải (Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM), để tháo gỡ vướng mắc, phù hợp với thời đại công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế, BLTTHS 2015 bổ sung thêm nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, kết luận định giá tài sản, kết quả ủy thác tư pháp và các hoạt động tương trợ tư pháp khác. Cạnh đó, BLTTHS 2015 đã luật hóa quyền thu thập chứng cứ cho người bị buộc tội, người bào chữa... thay vì chỉ có các cơ quan tố tụng như BLTTHS hiện hành. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 cũng quy định rõ một nguyên tắc rất quan trọng là nguyên tắc loại trừ chứng cứ: Những gì có thật, tồn tại trong thực tế nhưng trình tự thu thập không đúng quy định của BLTTHS thì không được xem là chứng cứ và không được sử dụng để làm chứng cứ. “Thực tế chúng ta gặp trường hợp này rất nhiều, dù nó là nó nhưng CQĐT thu thập không hợp pháp thì cũng không có giá trị là chứng cứ” - ông Hải nói.
BLTTHS 2015 không gọi là “người chưa thành niên nữa” mà gọi là “người chưa đủ 18 tuổi” để phù hợp với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Để phù hợp với yếu tố tâm lý của lứa tuổi này, luật mới quy định trong một ngày không được lấy lời khai (hỏi cung) quá hai lần, mỗi lần không quá hai tiếng vì thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp CQĐT lấy lời khai nhóm đối tượng này sáng, trưa, chiều, tối trong cùng một ngày. Ông Hải cũng chỉ đạo VKS các cấp cần hết sức lưu ý khi áp dụng biện pháp tạm giam, chỉ áp dụng khi có căn cứ cho thấy việc áp dụng các biện pháp giám sát, ngăn chặn khác không có kết quả...