Tờ South China Morning Post đưa tin một khảo sát đã kết luận rằng hơn 60% thanh niên ở Trung Quốc cảm thấy khó khăn và lúng túng trong việc giao tiếp với người khác.
Tờ China Youth Daily đã phỏng vấn 2.000 người trong độ tuổi từ 18-35. Kết quả cho thấy 64% trong số họ cho biết họ cảm thấy “mắc kẹt” hoặc đóng băng trong các tương tác xã hội. Họ gọi đó là hiện tượng sekong - nghĩa là "ám ảnh xã hội".
Cụ thể hơn, khảo sát cho thấy có 27% số người tham gia phỏng vấn cho biết họ gặp vấn đề với các hoạt động xã hội ngoại tuyến, 17% cho biết cảm thấy "thách thức" khi giao tiếp xã hội trực tuyến, trong khi 20% cho biết cả tương tác trực tuyến và ngoại tuyến đều khó khăn đối với họ.
Chỉ 30% cho biết họ không gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội và báo cáo không cho biết 7% còn lại nói gì.
Nhiều bạn trẻ thích những tương tác trực tuyến hơn những hoạt động giao lưu diễn ra trong đời thực. Ảnh: AFP |
Một sinh viên tốt nghiệp đại học đến từ Vũ Hán (TQ) nói rằng anh không thích giao du và kết nối với những người bạn mới.
“Khi gặp người lạ, tôi thường không chủ động mở lời. Tôi chỉ phản ứng một cách thụ động” - sinh viên này chia sẻ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 40% những người được hỏi cố gắng tránh giao tiếp xã hội, 30% thì không, trong khi 30% còn lại cho biết điều đó phụ thuộc vào tình huống lúc .
“Tôi sẽ tránh xa các hoạt động có đông người tham gia, chẳng hạn như team building, vì có quá nhiều người. Tôi không quen thuộc với hầu hết trong số họ" - một sinh viên sau đại học ở Bắc Kinh chia sẻ.
Đối với những người tránh tiếp xúc xã hội, nhiều người cho biết họ không thích các sự kiện có mục tiêu rõ ràng, hoặc quá căng thẳng trong công việc và cuộc sống nên không còn năng lượng để giao tiếp. Nhiều lý do khác cũng được đưa ra như thiếu kinh nghiệm xã hội hoặc ký ức khó chịu về các sự kiện xã hội.
Bà Loan Kiện - giáo sư tâm lý xã hội từ Đại học Nankai (Trung Quốc), nói rằng giao tiếp trực tuyến qua mạng xã hội đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ trẻ hiện nay, vì vậy họ không có mong muốn tiếp xúc với cuộc sống thực.
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng các mối quan hệ trực tuyến “yếu và ảo” hơn rất nhiều so với các liên hệ cá nhân trong đời thực.