Thanh toán qua các kênh Internet và điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, với tốc độ tăng trưởng của năm 2018 tăng tương ứng 19,5% và 169,5% so với năm liền trước.
Cơ hội thị trường
Trong quý I-2019, thanh toán điện tử tiếp tục phát triển ấn tượng với số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu (GCS) của PwC cho thấy trong 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 khi tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng điện thoại di động ở Việt Nam đã tăng lên 61%, từ mức 37% của năm 2017.
Nền kinh tế số ở Việt Nam đang thực sự khởi sắc với tỉ lệ người có thu nhập trung bình tăng lên và tỉ lệ tiếp cận điện thoại di động cũng như Internet ở mức cao. Theo số liệu thống kê Internet Việt Nam 2019, tỉ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày là 94% và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần.
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỉ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia lên đến 89%. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong vài năm gần đây.
Chuyển dịch của Vietcombank
Về mảng dịch vụ thanh toán điện tử, hiện Vietcombank cung cấp cho thị trường và khách hàng các sản phẩm gồm: VCB – iB@nking, VCB – SMS Banking, VCB – Mobile B@nking, VCBPAY.
Đến hết năm 2019, tổng số lượng khách hàng kích hoạt sử dụng Internet Banking/Mobile Banking của Vietcombank đạt gần 6 triệu khách hàng, tăng gần 200% so với cuối năm 2016.
Ghi nhận trong năm 2019, tỉ trọng giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử đã tăng từ mức 70% năm 2016 lên mức 90% trong tổng số giao dịch phi tiền mặt của Vietcombank. Tổng số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt năm 2019 tăng hơn 200% so với năm 2016. Dòng tiền thu hút vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử đã ở mức tập trung cao, tổng số dư không kỳ hạn của khách hàng qua Internet Banking/Mobile Banking chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn không kỳ hạn của khách hàng cá nhân.
Trong các dịch vụ ngân hàng điện tử Vietcombank cung cấp, dịch vụ VCB-Mobile B@nking dù ra đời muộn nhất nhưng được xem như sản phẩm “đinh” của ngân hàng.
Ra mắt từ cuối năm 2012 và thay đổi phiên bản mới vào đầu năm 2017 (tháng 3-2017), đến nay dịch vụ VCB - Mobile B@nking đạt xấp xỉ 2 triệu khách hàng.
Dịch vụ VCB - Mobile B@nking được khách hàng đánh giá tiện lợi hơn so với giao dịch trên VCB - iB@nking hay thanh toán theo cách truyền thống.
Chỉ với 1 chiếc điện thoại di động kết nối WiFi/3G/4G, mọi lúc mọi nơi khách hàng có thể thực hiện việc thanh toán vé máy bay, vé tàu xe, điện nước, thanh toán học phí, viện phí, quét mã QR khi mua hàng... Bên cạnh những tính năng ưu việt này, để người dùng có cơ hội trải nghiệm và sử dụng như một công cụ tài chính không thể thiếu trong cuộc sống, Vietcombank cũng đã triển khai mở rộng thêm các tính năng trên VCB-Mobile B@nking (Smart OTP, OTT Alert…).
Vừa qua, Vietcombank vinh dự là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ mới bổ sung. Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng tiên phong và hiện tại là ngân hàng duy nhất hợp tác với Cổng DVCQG trong việc phát triển cơ chế đăng nhập một lần Single Sign On (SSO) giữa Cổng DVCQG với hệ thống thanh toán của ngân hàng. Điều này giúp người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào Cổng DVCQG sử dụng các dịch vụ công mức độ 4 để hoàn tất thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.
Với 3 loại dịch vụ Thanh toán phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân và Lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán cho khách hàng trên Cổng DVCQG giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ với trải nghiệm mới trong thanh toán điện tử.