Thanh toán online lên ngôi nhưng tỉ trọng tiền mặt vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay thanh toán không dùng tiền mặt năm 2021 đạt mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, thanh toán qua internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, thanh toán qua điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua mã QRcode lên đến 200% so với 2020... Nhờ đó, tính trên tổng các giao dịch trên hệ thống chuyển mạch tài chính, hạ tầng thanh toán mà NAPAS quản lý, giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.

Cũng là thông tin tích cực, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: Tính đến hết năm 2021, phương thức thanh toán qua Moblie tăng 75,97% về số lượng và 87,5% về giá trị; tăng trưởng bình quân về giao dịch qua ví điện tử trong giai đoạn 2017-2021 tăng 80,43% về số lượng và tăng 71,86% về giá trị. Trong bối cảnh COVID-19, đã có tới 87% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến, tức là tăng tới tăng 20 lần so với trước đại dịch.

rut-tien-mat

Tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12% .... Ảnh: TL

Tỉ trọng tiền mặt vẫn còn cao

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa kéo giảm được nhiều tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Cụ thể, tháng 1-2022 (thời điểm trùng vào Tết Nguyên đán), tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán bất ngờ bật lên 13,29% so với tháng trước đó đang ở mức 11,34%.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 1-2022, tổng phương tiện thanh toán của toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 2,59% so với cuối năm 2021. Đấy là chưa bao gồm loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua. Quy đổi 13,29% thì tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế hiện đang khoảng 1,82 triệu tỉ đồng.

Nếu tính theo từng tháng thì trong 2 năm 2020-2021, khi nền kinh tế đối mặt với diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19, tỉ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán hầu hết ở quanh mức 11,3% tổng phương tiện thanh toán, và chỉ có 5 tháng là vượt lên trên 12%. Nếu so với tháng 1-2019, đứng ở mức 14,21% thì tình hình là khá tích cực.

Vậy nhưng, tốc độ giảm này là chưa đạt mục tiêu mà Thủ tướng đề ra khi ký ban hành Quyết định số 2545 phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.  Theo đó, mục tiêu là đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% và tầm nhìn 2025 phải xuống còn 8%.

Để tiếp tục giảm tỉ trọng thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế, ngày 28-10-2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt phải gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm