Thanh toán qua tài khoản ngân hàng khi mua vàng miếng 'bùng nổ'

(PLO)- Thanh toán qua tài khoản ngân hàng không chỉ phổ biến đối với các hoạt động mua sắm tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi... ngay cả hoạt động mua vàng miếng cũng rất ưa chuộng hình thức thanh toán này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 12-6, Payoo công bố báo cáo đánh giá kết quả thanh toán không tiền mặt ở nhiều ngành nghề trong nửa đầu năm 2024.

Đi cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, hoạt động thanh toán không tiền mặt đã lan toả rộng khắp. Tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua Payoo đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần, theo sau là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng 64%, thẻ nội địa tăng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.

Thanh toán online ngày càng nở rộ

Nửa đầu năm nay, mức tăng bứt phá được ghi nhận trên nền tảng thanh toán Payoo nhờ sức mua năm nay cũng đã quay lại sau mấy năm khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch và sự ưa chuộng với thanh toán không tiền mặt.

Nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất trong nửa năm vừa qua là vàng bạc đá quý và trang sức.

Hai quý đầu năm nay do giá vàng tăng, cộng hưởng với nhu cầu trang sức của người dân tăng lên trong những dịp lễ 14-2, 8-3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mảng này khá khả quan, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính của PNJ trong quý 1 vừa qua cũng ghi nhận mức tăng doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, với kết quả doanh thu thuần tăng gần 30% cùng kỳ năm trước.

Khách hàng mua vàng lựa chọn hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng
Khách hàng mua vàng lựa chọn hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Ảnh:T.L

Theo khảo sát của PLO, kể từ khi 4 ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động bán vàng miếng cho người dân nhằm bình ổn thị trường vàng, thì hoạt động thanh toán qua thẻ cũng nở rộ.

Rất hiếm người dân xách ba lô tiền mặt đi mua vàng miếng. Thay vào đó họ chủ yếu lựa chọn thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Với phương thức thanh toán này, vừa giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi không cầm tiền mặt đi mua vàng.

Bên cạnh mảng kinh doanh vàng, ngành bán lẻ điện thoại, điện máy cũng ghi nhận số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên nền tảng Payoo tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Theo Payoo, nửa sau năm 2024 sẽ là thời kỳ phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ nhờ vào hai mùa cao điểm mua sắm là mùa hè và mùa lễ hội cuối năm. Nhất là từ cuối tháng 6 năm nay, Napas, Mastercard và Payoo sẽ phối hợp triển khai chương trình khuyến mãi hấp dẫn trên toàn quốc với sự tham gia của gần 40 đối tác, hàng trăm thương hiệu và hàng ngàn cửa hàng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sức mua, người tiêu dùng được trải nghiệm những tiện ích vượt trội của thanh toán không tiếp xúc và thị trường bán lẻ được hỗ trợ hồi phục và phát triển toàn diện.

Thanh toán quét QR ưa chuộng nhưng đi kèm nhiều rủi ro

Thanh toán không tiền mặt thông qua mã QR dường như đã “phổ cập” đến mọi nhà, với mức tăng trưởng đều đặn và liên tục.

Thống kê của Payoo cho thấy, thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng trung bình 3 lần/năm trong vòng 3 năm qua. Tỉ trọng thanh toán bằng cách quét mã QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là dịch vụ ăn uống; siêu thị và cửa hàng tiện lợi; thời trang, mỹ phẩm; giải trí, nội thất và đồ dùng gia đình...

Với kết quả ấn tượng đó, trong năm 2024, việc phát triển QR code toàn diện hơn nữa đang được các đơn vị đầu tư đẩy mạnh. Các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán cũng cho ra mắt nhiều giải pháp ứng dụng thanh toán QR tiện lợi không chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà thích hợp với cả hộ kinh doanh vừa và nhỏ.

Tuy vậy, thanh toán QR càng phát triển thì các hình thức lừa đảo dựa trên hình thức thanh toán này càng gia tăng, dù cho người dùng và doanh nghiệp đều có ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác.

Đơn cử, các trường hợp QR của cửa hàng bị dán đè xảy ra ở một vài nơi, khiến người mua không để ý quét QR giả mạo và chuyển vào sai tài khoản, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Một hình thức gian lận phổ biến khác là giả hình ảnh đã thanh toán xong, người bán nhìn vào một màn hình giả thông tin đã thanh toán, không kịp kiểm tra lại đã giao hàng cho khách. Hoặc để kiểm tra, khách phải đợi nhân viên mở điện thoại, vào ứng dụng ngân hàng kiểm tra tiền vào tài khoản mới giao hàng. Trong trường hợp cùng lúc hai hoặc ba khách hàng thanh toán, nhân viên sẽ bối rối và mất thời gian để xác định xem số tiền nào là của ai.

Là đơn vị fintech, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh bảo mật, Payoo luôn làm việc trực tiếp với nhà bán hàng để mang đến những giải pháp chống lại việc dán đè bằng cách dùng các thiết bị điện tử xuất mã QR động khác nhau cho mỗi giao dịch, hoặc hiển thị mã QR ngay trên thiết bị thanh toán POS để khách hàng quét mã chính xác. Doanh nghiệp cần cân nhắc giữa việc chọn giải pháp rẻ tiền như in QR và dễ bị dán đè lên hoặc chọn lựa một giải pháp uy tín để bảo vệ mình và khách hàng.

Kể từ 1-7 tới, theo quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.

Đây cũng là động thái kịp thời của NHNN trong việc giúp ngăn chặn sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục tiêu lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền, bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mất tiền do các tội phạm lừa đảo gây ra.

Về phía các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán hiện nay cũng đã liên tục gửi cảnh báo nâng cao đến tất cả khách hàng, khuyến nghị phải nâng cao cảnh giác. Đồng thời sẵn sàng “chạy nước rút” để bổ sung xác thực sinh trắc học từ ngày 1-7 nhằm tăng đảm bảo an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm