Trong một ngày thể thao Việt Nam (TTVN) đón nhận hai niềm vui lớn, thế nhưng ít ai biết rằng cô nàng có biệt danh “Thảo bò vàng” khiến hàng triệu fan TTVN thổn thức đã chật vật… đủ đường mới có thể gắn với nghiệp thể thao.
Đầu tiên khi giải thích về biệt danh ngộ nghĩnh của mình, nhà vô địch Á vận hội cười, chia sẻ: “Thảo là tên cha mẹ đặt. Bò, vì em sinh trưởng ở quê hương Ba Vì, Hà Tây, địa phương nổi tiếng về nuôi bò sữa. Còn vàng là HCV, không phải bạc hay đồng đâu nhé”.
10 năm trước, phó đoàn TTVN tại Asiad 18 Nguyễn Trọng Hổ chính là người đã phát hiện tài năng giậm nhảy của Thu Thảo. Thế nhưng để chiêu dụ cô bé nhà nghèo đang tuổi ăn tuổi lớn bỏ thể thao đi làm phụ hồ, ông Hổ tốn không ít công sức để thuyết phục.
Tập được vài năm, Thảo một lần nữa quyết định bỏ nghề nhảy xa vì không thể theo kịp các đàn chị. Cũng thời điểm này, cha Thảo lâm bạo bệnh khiến gia đình cô kiệt quệ. Ý chí “Thảo bò vàng” lung lay. Cô muốn tìm công việc khác ổn định hơn để phụ giúp gia đình. Ông Hổ tiếp tục khuyên Thảo chuyển hướng sang bảy môn phối hợp - nội dung gian khổ nhất môn điền kinh, chỉ dành cho những VĐV đa năng nhất. Năm 2010, Thu Thảo vô địch trẻ châu Á bảy môn phối hợp.
Thu Thảo (giữa) nhỏ con nhất nhưng nhảy xa nhất châu Á và hình ảnh hiếm hoi khi thư giãn cùng chồng. Ảnh: N.TRUNG
Cho đến khi được giao cho HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, sự nghiệp của “Thảo bò vàng” mới thực sự nổi bật. Năm 2011, lần đầu tiên bước ra đấu trường Đông Nam Á, Thảo rời SEA Games trắng tay. Hai năm sau đó, chiếc HCĐ đoạt được tại Nay Pyitaw (Myanmar) đặt viên đá đầu tiên giúp sự nghiệp Thảo cất cánh.
SEA Games 2015 tại Singapore, chiếc HCB nhảy xa cùng thành tích 6,65 m giúp Bùi Thị Thu Thảo xô đổ kỷ lục 6,57 m, tồn tại suốt 14 năm do Phan Thị Thu Lan thiết lập năm 2001.
Với chiếc HCV SEA Games 2017, “Thảo bò vàng” nâng mức thành tích nhảy xa nữ Đông Nam Á lên 6,68 m. Rồi chức vô địch châu Á 2017 vài tháng sau đó tại Ấn Độ.
Hôm 27-8, sau khi bước xuống từ bục danh dự, Thu Thảo chia sẻ về người thân mà cô rất muốn gửi tặng sau chiến tích lịch sử của điền kinh VN đó là ông xã của mình, người mà Thu Thảo nói rằng “Anh ấy đã âm thầm hy sinh rất nhiều để tôi an tâm gắn bó với nghiệp thể thao và luôn động viên tôi kể cả khi thất bại cũng như lúc thành công”.
Với chiến công vang dội, mở ra trang sử mới cho điền kinh VN - sau một năm lên ngôi số một tại đấu trường Đông Nam Á, Bùi Thị Thu Thảo nhận tổng cộng 650 triệu đồng tiền thưởng từ ngành thể thao và các mạnh thường quân.
Pencak silat dự tranh tám nội dung chung kết Ở ngày tranh tài thứ 10 (29-8) của đại hội, “mỏ vàng” pencak silat dự chung kết ba nội dung biểu diễn quyền, năm hạng cân đối kháng. Nội dung quyền đơn nam: Nguyễn Tiến Dũng tranh vòng huy chương. Các nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Huyền, Vương Thị Bình đấu chung kết đôi và đồng đội nữ. Các hạng cân đối kháng: Nguyễn Văn Trí (90-95 kg), Trần Đình Nam (70-75 kg) nhiều khả năng đoạt HCV do chỉ đụng độ các đối thủ người Malaysia. Ở ba hạng cân còn lại, Nguyễn Ngọc Toàn (60-65 kg), Nguyễn Thái Linh (50-55 kg), Trần Thị Thêm (45-50 kg), Nguyễn Thị Cẩm Nhi (60-65 kg) cực khó chạm tay vào ngôi vô địch khi phải đối đầu với các võ sĩ chủ nhà Indonesia. • Điền kinh: Hai VĐV Vũ Thị Ly, Dương Văn Thái đấu loại cự ly 1.500 m nam, nữ. Dương Thị Việt Anh tranh chung kết nhảy cao nữ. • Boxing: Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm tranh vòng tứ kết hạng 51 kg nữ gặp Jargalan (Mông Cổ). • Bóng chuyền nữ: 10 giờ, tứ kết Việt Nam-Thái Lan. |