‘Nữ hoàng’ Thu Thảo mang về HCV thứ hai

Ngay ở cú nhảy đầu tiên, Thu Thảo đạt thành tích 6,55 m, vươn dẫn đầu. Thông số quá tốt khiến các đối thủ vô vọng trong cuộc rượt đuổi. Tổng cộng qua sáu lần giậm nhảy chung kết, không một đối thủ nào vượt qua mức 6,55 m. Và Bùi Thị Thu Thảo xuất sắc đem về chiếc HCV thứ hai giúp thể thao Việt Nam vươn lên thứ hạng 20 bảng tổng sắp với 2 HCV, 11 HCB, 13 HCĐ.

Mòn mỏi chờ vàng qua các nội dung chung kết

Ngày 27-8 nhiều nội dung dự chung kết nhưng thể thao Việt Nam cứ mong mỏi rồi thấp thỏm chờ đợi và tưởng như vô vọng khi lần lượt chứng kiến bốn HCB trong cơn khát vàng.

Trong ngày tranh tài áp chót, pencak silat tổ chức tám trận đấu chung kết các nội dung quyền và đấu đối kháng nhưng kỳ lạ thay, không một chiếc HCV nào lọt khỏi tay các VĐV chủ nhà.

Dù là quốc võ của chủ nhà Indonesia nhưng kể từ vòng bán kết, những lời ca thán về công tác trọng tài vang vọng khắp nhà thi đấu.

Pencak silat Việt Nam ngoài Nguyễn Ngọc Toàn tranh chức vô địch đối kháng hạng 60-65 kg, còn có các võ sĩ Trần Đức Danh, Lê Hồng Quân đấu chung kết quyền đôi nam; bộ ba Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Xuân Thành, Lưu Văn Nam tranh chung kết quyền đồng đội nam.

Kết quả các võ sĩ Việt Nam đều thất bại trước các đối thủ chủ nhà, ba nội dung nhận ba HCB. Cá biệt ở trận đối kháng giữa Ngọc Toàn và Pratama (Indonesia), ban huấn luyện Việt Nam bốn lần khiếu nại quyết định của trọng tài nhưng tất cả đều không được giải quyết.

Với tám chiếc HCV pencak silat chỉ trong ngày tranh tài thứ chín, Indonesia (20 HCV) nhảy vọt lên vị trí thứ tư, xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chiếc HCV của Bùi Thị Thu Thảo giúp thể thao Việt Nam nguôi ngoai nỗi buồn “bạc” của pencak silat. Ảnh: MQ

Vị cứu tinh Bùi Thị Thu Thảo bên hố nhảy

Sau bao chờ đợi và mong mỏi, cuối cùng thì “nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thị Thu Thảo đã mang được chiếc HCV thứ hai cho đoàn thể thao Việt Nam. Thật quý giá vì HCV này đã cải thiện thứ hạng của đoàn thể thao rất nhiều, đồng thời đây cũng là HCV đầu tiên của môn điền kinh Việt Nam tại Asiad.

Ngay lần nhảy đầu tiên, Thu Thảo đã dồn sức với lần nhảy hợp lệ và có thông số vượt trội so với các đối thủ còn lại. Thành tích 6,55 m khiến các đối thủ của Thảo bị tâm lý. Maria Londa, nhà vô địch Asiad 2014 lại cho thấy sự sa sút khi chỉ đạt 6,45 m và xếp vị trí thứ năm chung cuộc.

Thành tích của Thu Thảo không vượt qua được thành tích tại SEA Games 2017 (6,68 m) nhưng vượt xa mức HCV Asiad 2014 tới 13 cm.

Cũng cần biết là Thu Thảo chỉ cao có 1,65 m nhưng có ưu thế về tố chất sức bật cùng sự khổ luyện đã giúp chị đăng quang. Trước khi theo đuổi môn điền kinh, Thảo từng có thời gian cơ cực với công việc mưu sinh vất vả như phụ hồ.

Dự báo trong ngày thi đấu cuối (29-8), trong tám nội dung chung kết Indonesia sẽ “bỏ túi” thêm sáu HCV. Hai nội dung còn lại là cuộc “cạnh tranh nội bộ” giữa Việt Nam và Malaysia.

Chiếc HCB thứ tư trong ngày được Quách Thị Lan đem về từ môn điền kinh. Tranh chung kết cự ly 400 m vượt rào nữ, Lan đạt thành tích 55”30. Đây cũng là lần thứ hai Lan phá vỡ kỷ lục quốc gia 55”74, mới được cô thiết lập trước đó một ngày. Chiếc HCV nội dung này thuộc về VĐV gốc Nigieria nhập tịch Bahrain Adekoya, đạt thành tích 54”48 đồng thời phá luôn kỷ lục Asiad.

Ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật, cô gái Bắc Giang Nguyễn Thị Oanh xuất sắc đoạt chiếc HCĐ ngoài dự tính. Thành tích 9’43”83 giúp Oanh phá kỷ lục quốc gia 10’30”92 do chính cô thiết lập tại Naypyidaw (Myanmar) năm 2013. Chức vô địch thuộc về Yavi Winfred (Bahrain), Sign Sudha (Ấn Độ) giành HCB.

Cự ly 800 m nữ, Vũ Thị Ly đạt thành tích 2’10”50 giành quyền vào vòng bán kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm