Thảo luận mà lại nghỉ sớm, Quốc hội làm hết trách nhiệm chưa?

Điều hành phiên họp là Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra ngỡ ngàng. Ông Sơn hỏi thêm lần nữa, vẫn không thấy ai đăng ký, đành quyết định để QH nghỉ sớm hơn hai tiếng đồng hồ so với chương trình làm việc.

Vì chuyện này, trên các mạng xã hội nhiều bình luận đưa ra. Nào là mỗi ngày họp QH tốn kém tiền tỉ mà bỏ phí như vậy thật xót xa tiền thuế của dân; nào là quyền im lặng trong Bộ luật Tố tụng hình sự còn đang tranh cãi thì các ĐBQH đã gương mẫu đi trước. Có người lại băn khoăn tại sao không đẩy chương trình lên, đỡ uổng thời gian trống?

Trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng từ một hiện tượng không nên suy diễn dễ dãi.

Theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ, có hai phương án cho chương trình giám sát tối cao của QH năm 2016: Giám sát về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của QH chủ trì; hoặc hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ - dự kiến giao Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường chủ trì. Do năm tới QH còn tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa mới, rồi bầu các chức danh nhà nước nhiệm kỳ mới, do đó Ủy ban Thường vụ đề nghị QH lựa chọn một trong hai.

Theo quy trình, ngoài thủ tục thảo luận, đoàn thư ký còn lấy phiếu xin ý kiến để cuối kỳ họp đưa ra QH biểu quyết chương trình giám sát chính thức.

“Nhiệm vụ của phiên thảo luận này chỉ là bàn xem đề xuất đã hợp lý chưa, có bổ sung thêm chủ đề giám sát nào không và năm tới chỉ giám sát một nội dung hay phải thêm nữa. Tôi cho rằng ĐBQH thấy dự thảo đã được chuẩn bị kỹ nên đồng tình, không thảo luận nữa” - ông Phúc nhận định.

Cũng theo người phát ngôn của QH, khi lên chương trình kỳ họp QH này, Ủy ban Thường vụ đã dự kiến phần chương trình giám sát tối cao sẽ không có gì nóng nên đã chủ động lồng ghép nhiều nội dung khác vào cùng buổi sáng 9-6 và chỉ bố trí chừng hai giờ cho phần thảo luận. Khi ĐB không đăng ký thảo luận thì cũng không thể đẩy chương trình sau lên vì mọi việc đã lên kế hoạch trước.

Cũng bình luận về việc này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, người gắn bó lâu với sinh hoạt QH, cho rằng không nên đánh giá ý thức ĐB. Bởi đơn giản là khi đã đồng tình với dự thảo rồi thì không cần phải ý kiến thêm nữa. Với lại thông thường ĐBQH càng cuối nhiệm kỳ thì càng chín, càng mạnh mẽ, sâu sắc. Do đó không nên cho rằng ĐB chưa làm hết trách nhiệm khi không thảo luận chủ đề nào đó.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới