Nụ cười trong bức ảnh mà Omar gửi cả thế giới, một lần nữa làm nhiều người điêu đứng. Trong số đó có các nhà tổ chức sự kiện. Từ Việt Nam, ngay lập tức có một lời mời.
Mọi chuyện bắt đầu vào những ngày giữa tháng 4/2013 khi một tờ báo Ả rập đăng tin chuyện cảnh sát ở Thủ đô Riyadh đã “trục xuất” 3 người đàn ông khỏi một lễ hội vì họ... quá đẹp trai. Các thành viên của Ủy ban Bồi dưỡng và Chống suy đồi đạo đức của Ả rập Saudi e ngại sự xuất hiện của 3 người này sẽ làm các nữ du khách bị kích động và xiêu lòng. Trong phút chốc, cả thế giới gần như hướng về Ả rập. Một trong 3 chàng trai sau đó đã “bị” phát hiện. Chàng có cái tên khá dài, Omar Borkan Al Gala. Từ đó trở đi, Omar trở thành tên gọi cho một mẫu đàn ông làm điêu đứng các quý bà, quý cô.
Và “cơn bão truyền thông” được dự báo bắt đầu ngay khi thông tin “trai đẹp tới Việt Nam” được loan báo.
Song mọi việc có vẻ không suôn sẻ như dự tính. Tổng số tiền tài trợ giờ chót chỉ xấp xỉ ¼ kế hoạch - chưa đủ để thiết kế và dàn dựng sân khấu giao lưu tại Sân vận động Quân khu 7 ngày 11/9. Ở đây cũng cần mở ngoặc rằng, Tôn Hoa Sen, nhà tài trợ và sau trở thành nhà tổ chức sự kiện Nick Vujicic “đại thắng” về truyền thông, thương hiệu hồi tháng 5/2013, cũng là nhà tài trợ tiềm năng cho sự kiện “trai đẹp”. Tuy nhiên, không muốn “làm ảnh hưởng” tới hình ảnh sau sự kiện Nick Vujicic với một hình ảnh khác hoàn toàn trái ngược, doanh nghiệp này đã lắc đầu với “trai đẹp”.
Và rồi “trai đẹp” cũng tới. Truyền thông bắt đầu bùng nổ nhưng theo hướng không thuận lợi lắm. Vẻ đẹp của Omar bị bóc từng centimet trong buổi họp báo dạm ngõ và công chúng bắt đầu ngờ ngợ hóa ra chàng trai này bên ngoài không đẹp như trên hình.
Và rồi sự cố ngoài kế hoạch lại xảy ra: trời mưa tầm tã. Ngày hôm ấy, sân Quân khu 7 hứng trọn cơn mưa kéo dài từ chiều và đến tối, dù có giảm nhưng vẫn nặng hạt. Hàng ngàn người với chiếc vé free vẫn nhẫn nại chờ. Cao trào bắt đầu từ đây. Hoa hậu Thùy Dung, theo kế hoạch sẽ đi ra sân khấu cùng Omar song đợi mãi chẳng thấy chàng ra nên hoa hậu quyết định “cắt” show, bỏ về. Nhưng có lẽ hoa hậu không biết, trong thời gian mà cô đang chờ thì Omar đang ở trong và… đòi thêm tiền. Chàng “trai đẹp bị trục xuất” giở hợp đồng ra soi và nói rằng không thể giao lưu trong mưa vì điều này không ghi trong thỏa thuận. Và thế là một cuộc mặc cả được diễn ra ngay trước giờ mở màn. Mặc cả từ yêu sách “bù thêm” 6.000 USD, cuối cùng, để mọi chuyện được êm, Ban tổ chức phải huy động tiền của mọi người trong nhà để “nộp” cho chàng đúng 100 triệu đồng. Nhận xong tiền, chàng muốn mặc cả thêm chuyện mặc trang phục truyền thống Việt Nam nhưng Ban tổ chức từ chối. Và cuối cùng chàng cũng ra, cười rạng rỡ, giao lưu vài câu, mặc đúng một bộ trang phục và sau đó… ra về.
Thực tế thì Omar đã làm mọi người thất vọng. Chẳng ai nghĩ ra được kịch bản bị thay đổi đến chóng mặt như vậy. Có nhiều thông tin cho rằng sở dĩ Omar “biết” làm mình làm mẩy là bởi phía sau có những công ty khác thọc gậy bánh xe và làm “hư” chàng với ý đồ mời chàng về cộng tác!
Nhưng dù vì bất cứ lý do gì thì vụ “đền bù 100 triệu đồng” cũng là lần giao lưu cuối cùng của nhà tổ chức sự kiện với nhân vật của mình cho dù chữ ký trong hợp đồng hợp tác giữa họ có thời hạn 1 năm còn chưa ráo mực. Theo hợp đồng này, công ty Việt Nam độc quyền với Omar và 3 anh em nhà họ Lưu thời hạn một năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch mời các “trai đẹp” tan thành mây khói ngay sau ngày 11/9 “đáng nhớ” ấy. Ngay cả kế hoạch quan trọng nhất của tờ báo (đơn vị tổ chức) là ảnh bìa Omar và Hoa hậu Thùy Dung cũng bị dẹp bỏ. Nhà kinh doanh “trai đẹp” ở Việt Nam mất nhiều thứ trong vụ “áp phe văn hóa” này, ngoài chuyện mất tiền như đã nói.
Và bài học này sẽ còn được nghiên cứu như một trường hợp điển hình mà tương lai vẫn rất dễ dàng lặp lại.
Trai đẹp bị trục xuất chỉ là... tưởng tượng Vì thực tế anh chàng này không hề bị trục xuất. 3 tháng sau khi nổi tiếng toàn cầu, Omar thú nhận mình bị mời ra khỏi lễ hội vì đi vào những nơi không hợp lệ. Nhưng lúc ấy dư luận không còn quan tâm tới “đính chính”. Omar đã “chết” với nickname “trai đẹp bị trục xuất”. |