Thầy cô cho ta biết sống

Gọi là đặc biệt vì tại lễ tri ân này, những người thầy đều đã nghỉ hưu, có người ở độ tuổi bát tuần. Còn trò thì tóc đã muối nhiều hơn tiêu.

Những người thầy đã không còn đứng trên bục giảng từ nhiều năm nay và trò không còn học trực tiếp các thầy nữa. Nhưng hằng năm họ vẫn làm lễ tri ân thầy cô một cách trang trọng dù không phải các thầy cô đều ở TP.HCM.

Hôm đó, trong số những “cậu” học sinh đặc biệt ấy, tôi thấy có ông Nguyễn Huy Cận (nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM), ông Trần Quang Phượng (nguyên Giám đốc Sở GTVT TP.HCM)… và nhiều “cô, cậu” khác nữa tôi không nhớ và biết hết. Các “cô, cậu” học trò này đều bước qua tuổi 60.

Anh Đoàn Thế Vinh, Thường trực Ban liên lạc cựu học sinh, cho biết có tất cả 32 thầy cô về dự. Mỗi năm một lần, tính đến nay các “cô, cậu” học sinh đã tổ chức họp mặt và tri ân thầy cô được 18 lần.

Các thầy cô hôm ấy đều đã luống tuổi, sức khỏe không còn tốt, nói chuyện thều thào, có người bước đi phải có người dìu. Thế nhưng ở họ có gì hấp dẫn mà các “cô, cậu” học sinh đã gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn dành cho họ tình cảm trân trọng như ngày nào? “Cậu” trò Lê Đình Vĩnh thưa trước thầy cô: “Cha mẹ cho chúng em cuộc sống, còn các thầy cô cho chúng em biết sống”.

Câu chuyện tình nghĩa thầy trò nói trên ngỡ như cổ tích nhưng mừng là nó không phải cổ tích. Tình nghĩa thầy trò sâu nặng vẫn có thật trong cuộc sống hôm nay!

Các “cô, cậu” trò kia chính là học sinh Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi thuở nào.

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm