Thầy cô cũng oằn lưng vì xét tuyển đại học

Đã hơn 17 giờ chiều nhưng không khí “nộp, rút” của thí sinh và phụ huynh tại các điểm trường đại học trên địa bàn TP.HCM vẫn náo nhiệt. Các cán bộ phụ trách công tác xét tuyển đều hăng say làm việc quên giờ giấc. Ai làm việc nấy, người nhập liệu, người hướng dẫn, người thu hồ sơ, tất cả cứ liên tục như những “cỗ máy”. Họ đã làm việc suốt nhiều ngày qua với tất cả tinh thần và sự nhiệt huyết, chỉ mong giảm bớt được phần nào lo lắng cho thí sinh và phụ huynh.

Tăng nhân lực, làm ca đêm

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho biết rằng phòng đào tạo đã huy động toàn bộ nhân viên trong phòng để thực hiện công tác xét tuyển năm nay. Vì công việc tăng lên rất nhiều lần nên năng suất làm việc của các thầy cô thực hiện công tác xét tuyển đòi hỏi cũng phải tăng lên. 

TS. Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tích cực hướng dẫn cho thí sinh. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Những ngày này, phòng đào tạo đều làm việc đến 20, 21 giờ đêm mới tạm ngưng. Không những phụ huynh và thí sinh mệt mỏi, các thầy cô làm công tác tuyển sinh cũng đã phải làm việc vất vả không kém.

“Công tác xét tuyển năm nay đòi hỏi chúng tôi phải làm việc thật tỉ mỉ và cặn kẽ, yêu cầu một sự khoa học nhất định để tránh xảy ra nhầm lẫn trong giấy tờ gây khó khăn cho thí sinh” – TS. Hạ nói.

Không khí làm việc căng thẳng tại Phòng đào tạo trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Tình trạng tăng cường nhân sự tối đa cũng như tăng thời gian làm việc đến đêm cũng diễn ra tương tự tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Tiến sĩ Trần Thế Hoàng - trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông tin: “Đợt xét tuyển lần này, trường cũng huy động rất nhiều nhân lực, bao gồm cán bộ phòng đào tạo, các phòng - ban, giảng viên các khoa và nhóm sinh viên hỗ trợ; cường độ làm việc cũng tăng lên gấp đôi, gấp ba…. Dù vậy, mọi việc khá suông sẻ, do những phương án đều đã được chuẩn bị từ đầu, chuẩn bị trước cả học kỳ, thậm chí cả năm; đồng thời Hiệu trưởng cũng đã chỉ đạo rằng tháng 8 chỉ tập trung công tác xét tuyển, còn các công tác khác có thể tạm dừng lại”.

Ngày cuối: Sẽ giúp thí sinh rút hồ sơ thật nhanh

Đợt 1 xét tuyển ĐH – CĐ sẽ kéo dài đến hết ngày mai (ngày 20-8). Thời điểm này, khi phụ huynh và thí sinh vẫn còn lo lắng, thấp thỏm thì những cán bộ làm công tác xét tuyển cũng chưa thể an lòng. 

Anh Thạch – cán bộ phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TP tích cực tư vấn cho phụ huynh. Ảnh: LÊ THOA

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái, cán bộ phòng quản lý đào tạo trường Đại học Kinh tế TP.HCM, phụ trách kỹ thuật và tư vấn xét tuyển năm nay trải lòng: “Các anh/ chị/ em ở đây đều xác định rằng phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ tối đa cho thí sinh và phụ huynh, những trường hợp thí sinh sai sót về thông tin nhưng khả năng có thể xử lý qua điện thoại hay bưu điện được thì tích cực xử lý. Dù công việc có áp lực nhưng cố gắng hết sức để làm tốt công tác, hỗ trợ cho thí sinh và phụ huynh vì chúng tôi đều hiểu rõ tâm trạng lo lắng và cả những vấn đề bất lợi của phụ huynh, thí sinh”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thái kể có những ngày cao điểm, anh chị em đều làm mà không màng đến nghỉ ngơi, ăn uống. Mỗi ngày đều làm đến hơn 20 giờ tối, mãi đến khi nào không còn phụ huynh và thí sinh nữa mới thôi; còn buổi trưa thì phải phân công từng nhóm đi ăn, thay phiên nhau làm công tác xét tuyển. 

Không những thế, 6 cán bộ phụ trách tư vấn qua điện thoại đều phải trực điện thoại cả ngày. Có những đêm phụ huynh gọi điện đến lúc 10, 11 giờ vẫn nhiệt tình tư vấn bởi hẳn họ phải lo lắng và gấp gáp đến như thế nào mới gọi điện lúc khuya nhờ tư vấn.

Các cán bộ phụ trách công tác xét tuyển trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang tích cực tư vấn cho phụ huynh, thí sinh. Ảnh: LÊ THOA

“Có nhiều phụ huynh nhắn tin cảm ơn các tư vấn viên, hứa gửi kẹo bánh dù con họ có đậu hay rớt… đó cũng là niềm hạnh phúc rất lớn của chúng tôi” – ông Thái cười.

“Điều chúng tôi trăn trở là không thể làm thỏa mãn hết vấn đề mà phụ huynh và thí sinh đang quan tâm. Phụ huynh chỉ quan tâm rằng con họ sẽ đậu hay trượt, họ nên rút hay để lại hồ sơ thì chúng tôi không thể trả lời được, vì có những số liệu đọng nên không thể tư vấn ngay. Con số hồ sơ, thí sinh ảo cứ nhảy nhót liên tục, nên dù hiểu tâm trạng của thí sinh và phụ huynh nhưng chỉ dám tư vấn mang tính định hướng chứ không quyết định thay họ mà để họ tự quyết định nên rút hay giữ hồ sơ, bởi lúc này họ có ở ngưỡng an toàn thì không biết được rằng ngày mai hay thậm chí là vài tiếng đồng hồ nữa sẽ có biến động gì” – Thạc sĩ Thái chia sẻ.

 “Ngày mai là ngày cuối cùng của đợt xét tuyển này, số lượng nộp hồ sơ có thể ít nhưng chắc chắn số lượng rút hồ sơ sẽ nhiều vì số lượng hồ sơ lúc này đã 4.780 hồ sơ, tức là có chừng 300 đến 400 hồ sơ nguy hiểm. Do đó mà chúng tôi sẽ làm việc cật lực, giải quyết tất cả các hồ sơ, giúp phụ huynh và thí sinh rút hồ sơ ra thật nhanh để các em còn kịp nộp trường khác” – người cán bộ làm công tác xét tuyển trải lòng.

 

Chậm xét tuyển, kế hoạch giảng dạy bị thay đổi

TS. Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho hay: “Công tác xét tuyển mất quá nhiều thời gian dẫn tới thời điểm công bố kết quả trúng tuyển cũng muộn hơn nhiều năm trước. Binh thường nhà trường cho Tân sinh viên nhập học vào ngày 25-8, tuy nhiên năm nay việc nhập học phải dời đến đầu tháng 9 , đồng nghĩa với việc công tác dạy học, thi cử, quân sự sẽ phải thay đổi toàn bộ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm