TS Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) bày tỏ lo ngại như trên tại hội nghị “Đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voi Việt Nam”, do Tổng cục Lâm nghiệp và Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF VN) tổ chức tại Hà Nội, ngày 24-4.
Nhiều cá thể voi tại Việt Nam chết không rõ nguyên nhân (ảnh WWF cung cấp)
Ông Liên cho biết, những chính sách về bảo tồn voi không thiếu, thậm chí còn được Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng trên thực tế, số lượng voi lại đang bên bờ tuyệt chủng.
PGS-TS Nguyễn Xuân Đặng, chuyên gia tư vấn thực hiện nghiên cứu về bảo tồn voi châu Á tại Việt Nam cho biết, Việt Nam từng là quốc gia có nhiều voi sinh sống. Tuy nhiên do sinh cảnh bị mất và suy thoái cùng tình trạng săn bắt, sát hại voi ngày một tăng cao nên quần thể voi bị suy giảm nghiêm trọng.
“Vào giữa những năm 1980 Việt Nam có 1.000 con voi nhưng đến năm 2013 chỉ còn khoảng 70-130 cá thể. Xung đột giữa người và voi trong 10 năm gần đây càng càng gia tăng. Nhu cầu về thị trường tiêu thụ sản phẩm từ voi và xung đột giữa người và voi là hai nguyên nhân chính gây ra các vụ sát hại voi. Thậm chí voi trong khu vực bảo tồn cũng bị sát hại”, PGS –TS Nguyễn Xuân Đặng phân tích về nguyên nhân suy giảm nhanh chóng của quần thể voi ở Việt Nam.
Ông Đặng cho biết thêm, hiện nay voi phân bố ở 8 tỉnh, tập trung nhiều tại ba tỉnh Đăk Lăk, Đồng Nai, Bình Phước. Tuy nhiên, nhiều nơi lại có nhiều đàn nhỏ lẻ chỉ vài ba cá thể nên công tác bảo tồn rất khó khăn.
TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF VN lo lắng: “Tê giác Việt Nam đã tuyệt chủng. Với quần thể mong manh ngoài tự nhiên loài hổ cùng đang bên bờ tuyệt chủng. Còn quần thể voi - chỉ với số lượng không quá 150 cá thể cũng giảm dần số lượng. Vì thế chúng ta phải làm mọi cách để cứu chúng. Nếu không voi sẽ cùng chung số phận như tê giác và hổ”.