Khác với tất cả đời tiền nhiệm và những quốc gia có tham vọng lớn ở sân chơi Đông Nam Á lứa tuổi U-22+2, ông Park sớm rèn quân trước cả năm tháng và chia làm tám đợt tập trung.
Ở lần đầu thích nghi với phương pháp tập luyện mới, ông thầy người Hàn Quốc chỉ cho gọi lên tuyển 18 cầu thủ, hầu hết là những gương mặt chưa quen thuộc. Nổi bật có thủ môn Văn Biểu của SHB Đà Nẵng, tiền đạo Tiến Linh của B. Bình Dương hay chân sút Việt kiều Martin Lo, còn lại mới hoặc quen dự bị trên các đội tuyển trẻ.
Đáng chú ý, ông Park cho gọi rất nhiều cầu thủ ở các đội hạng nhất như Phố Hiến, Phù Đổng, Hà Tĩnh, Long An sau một thời gian dài ông và các trợ lý lăn lộn khắp các giải đấu để bảo đảm không bỏ sót nhân tài. Dự kiến trong sáu đợt tập trung khác, thầy Park lần lượt đan xen những cựu binh trẻ và nhiều tân binh để sàng lọc giúp họ hòa hợp cách chơi của nhau hơn.
HLV Park Hang-seo cùng trợ lý lo cho những chiến dịch lớn của bóng đá Việt Nam năm 2019. Ảnh: CTV
Điều ông Park còn băn khoăn và thấy rất rõ chính là trình độ giữa các cầu thủ U-23 có chân trong đội tuyển quốc gia cao hơn so với những đồng nghiệp khác. Thầy Park tự đặt ra hai yêu cầu lớn cho mình là rút ngắn khoảng cách giữa các nhóm cầu thủ và giúp tân binh sớm thích nghi với lối chơi chung của toàn đội.
Không khó để thấy ông Park thực chất không có nhiều sự mạo hiểm ở các đội tuyển quốc gia, bởi ông e ngại thời gian không cho phép cầu thủ mới nhanh chóng phù hợp với triết lý bóng đá của ông. Chính vì thế, trong nhiều đợt hội quân, thầy Park mong muốn các học trò làm quen với không khí đội tuyển và nỗ lực cạnh tranh hơn để trụ lại.
Trong đợt tập trung cuối cùng vào tháng 10, HLV Park Hang-seo yêu cầu VFF tạo điều kiện cho thầy trò ông có năm tuần rèn luyện liên tục để hoàn thành điệp vụ đăng quang SEA Games 30 sau hơn nửa thế kỷ mong mỏi.