Asian Cup bảng D ngày 14-1: Việt Nam - Nhật Bản (VTV5 trực tiếp lúc 18 giờ 30)

Thầy trò HLV Troussier cầm cự như thế nào trước ứng viên vô địch?

(PLO)- Đối diện ứng cử viên vô địch nặng ký ngay trận đầu, ông Philippe Troussier hy vọng sự hiểu biết của mình về đối thủ lẫn năng lực của các học trò sẽ giúp đội tuyển Việt Nam không vỡ trận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cách đây năm năm, đội tuyển Việt Nam (VN) chỉ thua Nhật Bản 0-1 trong trận tứ kết Asian Cup 2019. Hai năm trước, thầy trò ông Park Hang-seo dự vòng loại World Cup 2022 lượt đi thua Nhật Bản với tỉ số tối thiểu 0-1 trên sân Mỹ Đình rồi lượt về trên đất Nhật bất ngờ cầm hòa 1-1. Trận hòa khiến nhiều người gọi là địa chấn mà quên đi việc chủ nhà đá không hết chân vì đã chắc suất đi tiếp rồi.

15_BAICHINH_pre_Vietnam_NhatBan_AsianCup_990.jpg
Đội tuyển Viêt Nam gặp lại Nhật Bản sau vòng loại World Cup 2022 ngay trận khai mạc bảng D Asian Cup. Ảnh: HẢI THỊNH

Khó cầm cự với dàn sao Nhật Bản

Không chỉ đội tuyển VN, bất kỳ đối thủ nào ở Asian Cup thời điểm này cũng khó đương đầu với đội bóng lớn Nhật Bản, đang xếp hạng nhất châu Á, thứ 17 thế giới. Thầy trò HLV Moriyasu rõ ràng là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu vô địch để đi vào kỷ lục lần thứ năm lên ngôi đầu châu Á.

Sau khi đánh bại Đức và Tây Ban Nha ở World Cup 2022, Samurai xanh lại vùi dập Đức 4-1 ở Wolfsburg vào tháng 9-2023 và điều này đã khiến HLV Hansi Flick của Đức mất chức HLV trưởng. Ba chiến thắng gần đây nhất là hủy diệt Syria và Thái Lan đều với cơn mưa gôn 5-0, sau đó thắng đậm Jordan 6-1.

HLV người Nhật Moriyasu sau gần năm năm cầm quân đã cải thiện điểm yếu lớn nhất của các học trò là khan hiếm bàn thắng, dù luôn chơi ở đẳng cấp cao. Nhật Bản đang có chuỗi 10 trận thắng liên tiếp và những ngôi sao đã ghi đến 45 bàn thắng, chỉ để thủng lưới năm bàn, cho thấy bệnh dứt điểm kém không còn là vấn đề của họ nữa.

Những cơn mưa gôn vào lưới các đối thủ dưới cơ tại châu Á không còn gây ngạc nhiên của một đội hình gồm hầu hết tài năng đang khoác áo các CLB châu Âu, bao gồm Wataru Endo (thủ quân tuyển Nhật Bản) đang chứng tỏ giá trị của mình tại Liverpool; Kaoru Mitoma của Brighton bị chấn thương nhưng ​​sẽ trở lại ở vòng knock out; cầu thủ đắt giá nhất châu Á Takefusa Kubo của Real Sociedad mà Man United đòi mua 60 triệu bảng, cùng rất nhiều tên tuổi khác.

HLV Moriyasu khiêm tốn nói Nhật Bản không dễ thắng bất kỳ đội bóng nào ở Asian Cup và các học trò ông sẽ nỗ lực trong từng trận, đặc biệt trận ra quân gặp VN dù biết là khó khăn nhưng cần có một chiến thắng đậm để làm bàn đạp chinh phục ngôi vua châu Á.

Mục tiêu lớn nhất của đội tuyển VN là dốc sức cầm hòa Nhật Bản hoặc có giấc mơ lớn hơn như HLV Troussier dự báo đá với Samurai xanh 10 trận, thua chín, cũng có ngày thắng một trận.

HLV Troussier buộc phải tính đường xa

HLV Troussier sớm loại bốn cầu thủ để chốt danh sách chính thức 26 gương mặt mà ông cho là phù hợp nhất cho vòng chung kết cúp châu Á. Đội hình tuyển VN có độ tuổi bình quân trẻ thứ tư của giải (tuổi trung bình 25,38), gần giống với cách đây 24 năm, HLV Troussier dẫn dắt đội Nhật Bản đã chọn 70%-80% cầu thủ dưới 23 tuổi và vô địch Asian Cup 2000.

Sự am hiểu bóng đá Nhật Bản của ông Troussier cũng là một lợi thế cho đội tuyển VN chia sức ra chống chọi với đối thủ lớn. Bên cạnh sức trẻ mà ông thầy người Pháp dành cho nhiều học trò U-23 hướng đến vòng chung kết U-23 châu Á vào giữa năm nay, đội tuyển VN còn dựa vào kinh nghiệm của các trụ cột như Hùng Dũng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Quang Hải, Văn Thanh và cả thủ môn Nguyễn Filip.

Một ưu thế khác của HLV Troussier là trong bản hợp đồng ba năm có trọng tâm ở cuộc đua giành vé chơi World Cup 2026 mà không đặt nặng thành tích tại Asian Cup - giải đấu mà cách đây năm năm đội tuyển VN đã vào đến tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước đội Nhật Bản bởi quả 11 m. Tuy nhiên, cơ hội đi tiếp cho thầy trò HLV Troussier không phải là quá hẹp, vì ông tính kỹ như mùa 2019, chỉ cần thắng một trận vòng bảng cũng có cửa vào vòng knock out.

Theo đó, đội tuyển VN sẽ tập trung mọi tinh lực cho trận thứ hai vào ngày 19-1 chạm trán đối thủ dễ chơi nhất bảng là Indonesia. Thậm chí, khi bỏ túi 3 điểm, thầy trò HLV Troussier cũng có thể “tính sổ” đua tranh với Iraq lượt cuối vòng bảng để không phải hồi hộp chờ vé vớt dành cho 4/6 đội hạng ba của bảng có thành tích tốt.

Trước mắt, mục tiêu lớn nhất của đội tuyển VN vẫn là dốc sức cầm hòa Nhật Bản hoặc có giấc mơ lớn hơn như HLV Troussier dự báo đá với Samurai xanh 10 trận, thua chín, cũng có ngày thắng một trận.

Nghĩ thế, tính thế nhưng thực sự nếu có thua ít cũng không phải thảm họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm