Gần nửa thế kỷ trước, Bob Dylan đã khiến cả thế giới bất ngờ khi dùng guitar điện để hát dân ca. Trong suốt gần 60 năm ca hát đã qua, ông tiếp tục là người tiên phong đổi mới dòng nhạc country và rock. Ông không ngừng khiến khán giả bất ngờ, bán hàng triệu đĩa hát, với những ca từ thấm đẫm tính triết lý và cả sự ray rứt đến ám ảnh. Những tác phẩm của ông trở thành tiếng nói của nhiều thế hệ
người Mỹ.
Giờ đây huyền thoại người Mỹ một lần nữa làm chấn động thế giới khi trở thành ca sĩ, nhạc sĩ đầu tiên trong lịch sử đoạt giải thưởng Nobel Văn học, sánh ngang với những đại văn hào Gabriel García Márquez, Toni Morrison hay Samuel Beckett...
“Khi bạn muốn tìm thơ ca, bạn không tìm đến Bob Dylan”
Ngay sau khi thông tin này được công bố, cả thế giới đã bắt đầu một cuộc tranh cãi nảy lửa xoay quanh câu hỏi: Nobel Văn học cho Bob Dylan là xứng đáng hay không xứng đáng?
Trong một bài viết trên tờ The Washington Post, GS ĐH Washington & Lee - ông Gordon Ball cho rằng: Các giá trị văn học mà Bob Dylan mang lại là độc nhất vô nhị, lý tưởng đậm chất nghệ thuật trong sự nghiệp của ông đã góp phần thay đổi mạnh mẽ xã hội, thay đổi và làm giàu cuộc sống của hàng triệu người cả về văn hóa, chính trị và thẩm mỹ. Giải thưởng Nobel cao quý là một hình thức ghi nhận thành tựu xứng đáng cho những gì mà Bob Dylan đã đóng góp.
Những hãng tin lớn như tờ The Guardian (Anh) và CNN (Mỹ) cũng đồng quan điểm cho rằng Bob Dylan được tưởng thưởng là hoàn toàn xứng đáng. Lời ca mượt mà, sâu lắng, thấm đượm triết lý nhân sinh của Blowin’ in the wind, ca từ trong trẻo của Forever young... được đánh giá như những tác phẩm thơ ca độc đáo. Tờ The Washington Post nhận định hiếm có một cây bút nào trong làng nghệ thuật Mỹ tạo ra những câu nói được sử dụng rộng khắp trong mọi khía cạnh xã hội Mỹ như Bob Dylan. Ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng lên tiếng chúc mừng.
Trong khi đó, đại diện ban biên tập của tờ The New York Times lại cho rằng Bob Dylan không xứng đáng nhận giải Nobel Văn học. Tờ báo nói rõ rằng Bob Dylan hoàn toàn xứng đáng với những giải thưởng và thành tựu trong âm nhạc mà ông từng đoạt được. Tuy nhiên, bằng cách trao tặng một nhạc sĩ thay vì một nhà văn giải thưởng Nobel Văn học, ban tổ chức giải Nobel đã có một lựa chọn đáng thất vọng khi bỏ qua những nhà văn thực thụ cần được vinh danh. Điều này đặc biệt quan trọng hơn trong một xã hội mà văn hóa đọc đang ngày càng bị mai một. “Bob Dylan không cần đến một giải Nobel Văn học nhưng văn học cần có một giải Nobel. Năm nay, điều đó đã không xảy ra” - New York Times nhận định.
Cây bút phê bình nghệ thuật Stephen Metcalf của tạp chí Slate nhìn nhận ở một góc độ chỉ trích nặng nề hơn nhiều. Ông không phủ nhận những tác động to lớn và đáng ngưỡng mộ mà những bài hát của Bob Dylan đã để lại trong nghệ thuật, xã hội và chính trị Mỹ. Tuy nhiên, Metcalf cho rằng những ngôn từ trong các bài hát của Bob Dylan không xứng đáng để được gọi là thơ ca, mà chỉ đơn thuần là lời bài hát mà thôi. “Bạn không tới cửa hàng điện để mua cam, cũng như khi bạn muốn tìm thơ ca, bạn không tìm đến Bob Dylan” - Metcalf bình luận đầy mỉa mai.
Âm nhạc và lời ca của Bob Dylan là đối tượng gây tranh cãi trên văn đàn suốt nhiều thập niên qua. Ảnh: REDFERNS
Vẽ lại ranh giới văn học
Cuộc bút chiến trên hiện vẫn tiếp diễn mà chưa ai thấy hồi kết. Tuy nhiên, với quyết định trao giải Nobel lần này của mình, Viện Hàn lâm Thụy Điển dường như đang muốn vẽ lại ranh giới định nghĩa thế nào là văn học, theo The New York Times. Các học giả về văn học từ lâu đã tranh cãi với nhau liệu những lời bài hát của Bob Dylan có được xem là một dòng thơ riêng hay không. Oxford đã táo bạo đưa bài hát Desolation Row của ông vào tuyển tập các bài thơ của văn học Mỹ, ấn hành năm 2006. Nhà xuất bản ĐH Cambridge vào năm 2009 cũng ca ngợi Bob Dylan như một nhà thơ. Bill Collins, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ, cho rằng Bob Dylan nằm trong 2% những nhạc sĩ hiếm hoi có thể sáng tác những lời ca đủ hấp dẫn đến mức chẳng cần nhạc vẫn đậm chất nghệ thuật.
Tờ The New York Times nhận định với quyết định lần này của mình, Viện Hàn lâm đang cố nhìn nhận sự thu hẹp khoảng cách giữa “nghệ thuật bác học” và những hình thức sáng tạo mang tính thương mại đại chúng. Một bài bình luận của tạp chí The Nation nhận định: “Những cách phân loại xưa cũ về nghệ thuật bác học và bình dân, chúng đã bị sụp đổ từ lâu rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên nó được chính thức hóa”.
Người chiến thắng im lặng
Cho đến nay huyền thoại âm nhạc Mỹ vẫn chưa chính thức lên tiếng về việc mình được trao giải thưởng cao quý này. Theo tạp chí Quartz, Viện Hàn lâm Thụy Điển đến nay vẫn chưa có cơ hội nói chuyện với người nhạc sĩ 75 tuổi này.
Odd Zschiedrich, đại diện của Viện Hàn lâm Thụy Điển, trả lời hãng tin AFP rằng ban tổ chức đã trao đổi với đại diện và người quản lý tour lưu diễn của Bob Dylan. Tuy nhiên, họ chưa nghe một lời nào từ người nghệ sĩ. Theo tờ The Guardian, vào đêm diễn tại Los Angeles sau khi có thông tin đoạt giải, Bob Dylan vẫn trình diễn “nhiệt” như bình thường và cũng không đả động gì đến giải Nobel. Còn theo The Washington Post, ngay cả người bạn chí cốt lâu năm của Bob Dylan là Bob Neuwwirth cũng không nghe ông chia sẻ chút hào hứng nào.
Vào năm 2007, nhà văn Doris Lessing cũng đã không mảy may đoái hoài gì đến giải Nobel Văn học mà bà được tuyên bố “đoạt được”. Theo tạp chí Quartz, khi PV tiếp cận bà và thông báo bà đoạt giải, bà chỉ lẩm bẩm “Chúa ơi!”, rồi cố xua đuổi PV đi để được yên thân.
Ai đề cử giải Nobel cho Bob Dylan? Viết trên tờ The Washington Post, ông Gordon Ball, giảng viên thỉnh giảng ngành Ngữ văn Anh tại ĐH Washington & Lee, tiết lộ ông là người đã miệt mài đề cử ca sĩ/nhạc sĩ Bob Dylan cho giải Nobel Văn học cao quý suốt một thập niên qua. Gordon Ball đang giảng dạy về thơ ca, khả năng viết lách sáng tạo và văn học hậu Thế chiến thứ II. Vào tháng 8-1996, Gordon Ball lần đầu viết thư đề cử Bob Dylan cho giải Nobel Văn học. Vài tháng sau, nhiều giáo sư chuyên ngành ngôn ngữ và văn học khác cùng chấp bút với Gordon Ball, như Stephen Scobie, Daniel Karlin và Betsy Bowden. Giảng viên ĐH Washington & Lee chia sẻ ông đã miệt mài đề cử suốt một thập niên qua và cuối cùng đã được toại nguyện. |