Đội tuyển Việt Nam (VN) dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Hàn Quốc vừa thua Nhật Bản 0-1 là trận thua thứ năm ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Không nhiều người trách thầy trò ông Park Hang-seo mà thậm chí còn ra chiều thông cảm và chia sẻ bởi ai cũng thấy chênh lệch đẳng cấp của học trò ông với đồng nghiệp Nhật là quá lớn.
HLV Park Hang-seo ra sức động viên dù hiểu được giới hạn của học trò. Ảnh: HẢI THỊNH
Sự vượt trội của các cầu thủ Nhật trong tranh chấp và cả thế trận dù chỉ thắng 1-0. Ảnh: HẢI THỊNH
Chính ông Park tâm sự rất thật lòng về cầu thủ VN đã gồng mình nỗ lực hết sức rồi, vấn đề chỉ là năng lực hạn chế trong khi đối thủ có trình độ cao quá. Rõ ràng đẳng cấp của người Nhật đã quyết định số phận của trận đấu trên sân Mỹ Đình, không phải là phép so sánh đội khách chỉ có một ngày tập sau quãng đường di chuyển dài mất sức, trong khi chủ nhà có đến cả tháng ăn tập cho 90 phút.
Ông Park than thở không phải đổ lỗi, dù các học trò ông đã rất cố gắng chơi tốt hơn bốn trận đã thua trước đó. Từ trận vòng bảng Asian Cup thua Nhật 1-4 cách đây 14 năm cũng trên sân Mỹ Đình, bóng đá VN nghiễm nhiên là kèo dưới rất xa so với đối thủ từ France 1998 đến nay không vắng mặt lần nào ở vòng chung kết World Cup. Thời gian gần hơn, đội tuyển VN từng thua nhẹ Nhật Bản 0-1 tại tứ kết Asian Cup 2019 và mới nhất cũng chỉ thua có một bàn ở vòng loại cuối cúp thế giới 2022.
HLV Park Hang-seo sau năm trận trắng tay đã thốt lên sao kiếm 1 điểm khó thế. Và ai cũng thấy câu trả lời rất đơn giản dù ông không chịu nói thẳng về trình độ của cầu thủ VN không thể so sánh với các đội bạn hàng đầu châu lục.
Nhưng vấn đề không phải là thắng, thua hay tỉ số trong một trận đấu. Nên nhớ sau phút 70 khi thầy trò ông Park gồng mình để chống đỡ và hy vọng có bàn gỡ hòa thì Nhật đã nghĩ đến trận tới với Oman khi lần lượt rút các trụ cột ra nghỉ.
Hãy nhìn xem người Nhật đã mất bao nhiêu thời gian và công sức với những cuộc cách mạng lớn với các quân sư nước ngoài, chủ yếu đến từ Brazil rồi giúp thầy nội học việc mấy chục năm sau mới có một đội tuyển thuần chất Samurai xanh. Họ đến bây giờ mới tự hào có đội ngũ HLV trong nước đủ sức dẫn dắt đội tuyển quốc gia, gần nhất từ thời HLV Akira Nishino ở đấu trường World Cup 2018 cho đến nay là HLV Moriyasu Hajime.
Ông Park Hang-seo mới có hơn bốn năm gắn bó với bóng đá VN với phong độ thất thường suốt hơn 20 năm luẩn quẩn trong “ao làng” Đông Nam Á. Thế nên cũng giống như bóng đá Thái Lan trước đây, trong lần đầu bơi ra biển lớn và bị nhiều đối thủ hàng đầu châu Á bắt nạt khiến suốt năm trận lượt đi không có điểm nào là hết sức bình thường. Ông thầy Hàn chỉ ngậm ngùi với nỗi nhọc nhằn của bản thân luôn khao khát dù chỉ 1 điểm trong bảng đấu vòng loại cuối ở cúp thế giới mà chưa thành hiện thực.
Không ai nỡ trách thầy trò ông Park với những trận thua đã thấy trước, chỉ có cảm giác tủi hổ cho bóng đá VN với tư duy nhiệm kỳ của các nhà quản lý và điều hành cứ mời thầy ngoại này đến thầy ngoại khác theo kiểu “hết xôi rồi việc”.
Ông Park chỉ là người tái tạo thành tích vô địch AFF Cup như cách đây 11 năm và lấy lại huy chương vàng SEA Games đã từng có hồi năm 1959. Thế đã là tốt, là quá sức mình và quá sức các tuyển thủ rồi. Giờ nếu muốn đi xa hơn hay có hạng ở châu Á thì phải là cách vận hành từ những hệ thống trẻ tiếp nối như bóng đá Nhật đã kiên trì thực hiện từ vài chục năm trước rồi.•
Đội tuyển Việt Nam học nhiều từ những trận thua Ông Park dù mong mỏi có điểm bằng một trận hòa các đối thủ lớn ở vòng loại cuối World Cup 2022 nhưng ông luôn thừa nhận thời điểm này các tuyển thủ VN chỉ cần học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Chủ sân Mỹ Đình dù chỉ thua nhẹ Nhật Bản 0-1 vẫn không thể nói đã tiệm cận với trình độ của đội bạn. Tỉ lệ kiểm soát bóng của đội tuyển VN chỉ là 33,1%, chưa bằng 1/3 đối phương và sáu lần sút cầu môn trong suốt 90 phút không có một cơ hội rõ ràng nào, so với Nhật có 12 pha dứt điểm là những thông số chuyên môn quá khiêm tốn. Ông Park cũng gửi đi thông điệp cho các nhà làm bóng đá VN phải làm sao để thêm nhiều lần góp mặt vào vòng loại thứ ba World Cup và học, học nữa, học mãi nhằm có kết quả tốt hơn… năm trận thua, rồi mới tính đến các cột mốc cao hơn. Quan trọng là đội tuyển VN sau những cái thua đối thủ lớn sẽ tích lũy cho mình điều gì, hơn là thắng các đội bóng cũ Đông Nam Á để ngộ nhận về chính mình. TT |