Sổ tay

Thêm góc nhìn về đấu giá biển số xe

(PLO)- Việc Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe cũng là phù hợp với văn hóa pháp lý, nó không những đáp ứng nhu cầu của người sở hữu xe mà còn có lợi cho việc thu ngân sách, đồng thời việc đấu giá công khai cũng thuận lợi cho việc quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đề xuất thí điểm đấu giá biển số cho ô tô của Bộ Công an mới đây đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Thực ra vấn đề này từng được đề xuất từ hơn 10 năm trước, song do nhiều nguyên nhân, ý tưởng này chưa được triển khai trên thực tế…

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất việc thí điểm đấu giá theo cơ chế “biển số đi theo người”. Tức là khi bán xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác của mình, đồng thời khi thay đổi địa chỉ thường trú khác tỉnh, TP cũng không phải nộp lại biển số.

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, đề xuất này có lẽ cần được bàn thảo kỹ để thực hiện được tốt hơn.

Biển số xe là dấu hiệu nhận diện xe và do cơ quan có thẩm quyền cấp với mục đích chủ yếu là để quản lý lưu hành xe, cũng là dấu hiệu cá biệt hóa tài sản (ý nghĩa phái sinh do thực tiễn xã hội công nhận).

Việc để biển số xe trúng đấu giá đi theo người đấu giá “suốt đời” cần cân nhắc kỹ. Bởi biển số được cấp để đăng ký và quản lý tài sản, vì vậy nó phải đi theo tài sản (xe) chứ không phải con người (người trúng đấu giá).

Đồng thời, như nhận định từ trước đến nay ở Việt Nam và thông lệ quốc tế, biển số xe là biển số đăng ký xe, để quản lý lưu hành xe, nếu công nhận có những biển số “đặc biệt” hình thành qua đấu giá thì vô hình trung sẽ phân chia biển số và ý nghĩa của biển số xe ra làm hai loại, loại biển số đi theo con người và loại biển số đi theo tài sản.

Điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện tại đang khá phù hợp của việc đăng ký và quản lý đăng ký xe, nó không có lợi cho xã hội ở góc độ tổng thể. Theo thông lệ quốc tế, biển số xe luôn là cơ sở để quản lý lưu hành xe với tư cách là nguồn nguy hiểm cao độ, tất cả biển số xe ở các quốc gia đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, văn hóa pháp lý và văn hóa quản lý ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ở các quốc gia như Anh chẳng hạn, con số chỉ đơn giản là… con số. Tùy thuộc vào quốc gia mà biển số xe có cả phần chữ và phần số, phần chữ và phần số này là những ký hiệu chỉ có ý nghĩa ở góc độ quản lý lưu hành xe.

Còn ở những nước Á Đông (như Việt Nam), người ta tin rằng một vài con số mang lại may mắn cho người sở hữu nó và sẵn lòng bỏ tiền ra để sở hữu những con số đặc biệt này. Bên cạnh đó, thực tế cũng có nhiều người có nhu cầu chọn biển số xe theo ý muốn (chẳng hạn như trùng với ngày sinh nhật của mình).

Chính vì vậy, việc Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe cũng là phù hợp với văn hóa pháp lý. Giải pháp này không những đáp ứng nhu cầu của người sở hữu xe mà còn có lợi cho việc thu ngân sách, đồng thời việc đấu giá công khai cũng thuận lợi cho việc quản lý.

Tuy nhiên, việc trúng đấu giá chỉ nên gắn liền biển số đấu giá với tài sản mang biển số mà thôi, không nên cấp biển số trúng đấu giá đi theo người đấu giá như dự thảo đã nêu.

Đồng thời, khi thực hiện thí điểm, cơ quan có thẩm quyền cần phải có cơ chế quản lý phù hợp để tránh phát sinh các tiêu cực. Bởi tiêu chí “đẹp” khá là đa dạng, tùy thuộc vào văn hóa, cách nhìn của mỗi chủ thể, vào vùng, miền hay dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm