Tại gần chân cầu Long Biên, Long Biên (Hà Nội), người đứng, người ngồi, đôi mắt luôn hướng ra mặt đường như chờ đợi, mong mỏi điều gì đó. Những người lao động sẵn sàng làm mọi việc: Dọn dẹp nhà cửa, khuân vác, dọp dẹp phế liệu... có người coi đây là công việc chính quanh năm suốt tháng ở đây để kiếm việc làm. Nhưng cũng có những người chỉ lên vào dịp cuối năm, với hy vọng kiếm thêm tiền về lo cho gia đình trong mấy ngày tết sắp tới.
Buổi trưa đến chúng tôi có dịp được theo chân những người lao động để thăm nơi ăn, chốn ở của họ. Sau khi đứng cả buổi không có ai thuê mình, chú Nho (46 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) quyết định quay trở về xóm trọ tranh thủ nấu cơm."Mọi năm có cả vợ tôi nhưng năm nay bà ấy phải chăm cháu nên không lên được, những công việc bếp núc đều một mình tôi tự lo. Có hôm ăn một mình chán quá, thế là rủ ông bạn hàng xóm 'góp gạo nấu cơm chung', anh em nhâm nhi ly rượu cho đỡ buồn" - chú Nho chia sẻ.
Cái cảm giác đầu tiên khi chúng tôi bước chân vào dãy trọ đó là một khu ẩm thấp, lụp xụp. Thậm chí là sập sệ, xuống cấp nghiêm trọng. Cả xóm có gần 20 phòng trọ. Đây là nơi để mọi người ngả lưng mỗi khi đi làm về cho đỡ mệt, tránh mưa nắng. Ấy thế mà mỗi tháng, vẫn phải đóng gần một triệu đồng tiền phòng, chưa kể điện nước, một phòng 7 m2, chỉ vừa kê đủ cái giường với lối đi nhỏ thôi" - chú Nho nói.
Xóm trọ nằm dưới một con dốc cao, chắn xung quanh là những nhà cao tầng, với lối đi nhỏ hẹp, có chỗ rộng không nổi một mét, uốn lượn sâu hun hút vào trong. Những lúc đông người, đi lại chật chội, chen chúc nhau...
Chú Nho cho biết ở xóm trọ này toàn là những người lao động nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, kiếm được tiền ngày nào biết ngày đó.
Chúng tôi đến vào lúc mọi người tất bật chuẩn bị cho bữa trưa của mình, cả xóm chỉ có một khu vệ sinh, tắm tát, lấy nước sinh hoạt chung, người đứng người ngồi chờ đợi nhau. Tiếng cười nói vui vẻ của mọi người khiến tôi cảm nhận được sự thân thiện của những người lao động chất phác, thật thà. Nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi lo về cơm áo gạo tiền: “Gớm! hôm nay ăn sang thế? Ừ thì sáng nay may mắn kiếm được năm chục, nên cải thiện tẹo ông à, mấy hôm rồi được mấy cọng rau héo, suy dinh dưỡng tới nơi rồi! Còn tôi thì sáng nay không có người thuê, về tay không, kiểu này chết đói tới nơi rồi”. Nói là ăn sang nhưng cũng chỉ lại vài miếng thịt vụn kho.
Trong căn phòng tối om, chật chội với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Chú Nho tranh thủ đặt ấm nước nóng lên bếp củi phía bên ngoài, rồi quay vào giường bật tivi lên xem, chú nói "cả phòng có nó là đáng giá nhất. Những lúc ở nhà chú chỉ biết bật tivi lên cho vui cửa vui nhà".
Phía bên cạnh, chú Nhuận (quê ở Bắc Ninh) đang chỉnh chiếc đài Radio "tôi mua cái quạt của Nhật này từ một bà bán sắt vụn đã mấy năm nay, lúc đầu nó bị đứt hết dây điện bên trong. Tôi lại phải tháo ra sửa chữa, đấu nối lại. Nhìn đơn giản bên ngoài nó chỉ là cái quạt, nhưng nó có nhiều chức năng lắm, không chỉ là quạt mát, mà còn có cả Radio và bóng đèn tích điện thắp sáng nữa đó. Không gian hẹp, có một vật dụng nhiều chức năng như vật là rất hợp lý..." - chú Nhuận tươi cười khoe với chúng tôi.
Hôm nay chú Nhuận và chú Nho nấu ăn cơm chung, hai người đàn ông quyết định 'đãi' khách với món phổi và lòng heo non, "số phổi này tôi mua hết 20.000 đồng, bình thường hai người tôi chỉ mua hơn chục ngàn nhưng hôm nay nhà có khách đến nên mua dư thêm chút" - chú Nhuận cho biết.
Sau khi nấu xong, hai người đàn ông nhanh chóng cùng khách lên giường ăn cơm vì chú Nho vừa được người quen gọi điện báo có người thuê đi dọn dẹp phế liệu xây dựng.
Chỉ khoảng 15 phút sau, chú Nho đã có mặt tại chỗ làm việc cùng những người lao động khác làm việc hăng say.
Công việc vất vả khiến chú Nho nhăn mặt. Mặc dù ngoài trời thời tiết lạnh là vậy nhưng ai nấy cũng để ướt đẫm mồ hôi. Cả bốn người làm việc trong gần một giờ đồng hồ nhưng mỗi người chỉ nhận được 50.000 đồng tiền công, "hôm nay còn may mắn đó cháu, có những hôm còn chẳng có ai thuê mà làm ấy, chú mong sao có việc thật nhiều để lo cho gia đình ở quê trong những ngày tết sắp tới. Vất vả mấy chú cũng chịu được" - chú Nho nói.