Theo chuyên gia, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong quý 2

(PLO)- Theo chuyên gia, mức lãi suất cho vay bình quân từ 9-10% là rất cao và làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tính riêng năm 2022, chi phí lãi vay mà doanh nghiệp và người dân phải chịu là 1,13 triệu tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong quý 2-2023”, đó là nhận định của chuyên gia được đưa ra trong tọa đàm “Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023” tổ chức ngày 11-5, tại Hà Nội.

Đánh giá về môi trường lãi suất cao tác động tới kinh tế vĩ mô năm 2023, các chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7-2022 và đến tháng 2-2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo ở mức cao.

Mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9-10,7% đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Tính riêng năm 2022, chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải chịu ít nhất là 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương với 12% GDP cả nước.

Tại toạ đàm, chuyên gia Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV TS. Cấn Văn Lực dự báo, năm 2023 lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022.

Ông nhận định Việt Nam còn dư địa để giảm lãi suất, áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý 4 năm 2023, tín dụng tăng chậm…

Nếu giải ngân đầu tư công tăng lên và giảm được nợ đọng vốn của doanh nghiệp, tiếp tục giải quyết tốt sự ách tắc, cải thiện được môi trường kinh doanh thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực, chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: M.T

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, TS Cấn Văn Lực, chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: M.T

“Lãi suất của Việt Nam năm 2023 còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tín tổ chức dụng còn yếu kém do đó lãi suất còn cao… Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý 2 năm 2023”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) - cho biết thêm, kinh tế Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn như sự "ảm đạm" của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý 4-2022.

Nhìn tổng quan trong quý đầu năm 2023 cho thấy sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng. Kinh tế quý 1-2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ và giảm 14,17% so với quý liền kề trước. Tăng trưởng của các trung tâm kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm mạnh.

"Môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, nhu cầu thành lập doanh nghiệp vì lãi suất cao sẽ làm cho chi phí khởi nghiệp tăng khiến người muốn khởi nghiệp chùn bước" - ông Nguyễn Tú Anh cho biết.

Đáng chú ý, Trung Quốc từ khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì lãi suất cho vay của nước này liên tục giảm và giảm khá nhanh. Qua đó, lãi suất thực sự giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch.

So với doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay cao gấp 3 lần khiến cơ hội doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR - đưa ra một số khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn. Một là cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.

Hai là các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Ba là chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái "thích ứng" với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Việt Nam cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Kế đó là tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cuối cùng là công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm