Bắt đầu từ ngày 7-6, kỳ thi đại học (ĐH) đồng loạt diễn ra trên khắp Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu cùng với hơn chín triệu thí sinh.
Giám sát bằng máy bay không người lái
Trước đó, cảnh sát đã tiến hành phong tỏa xung quanh địa điểm thi để giúp đảm bảo môi trường yên tĩnh khi các thí sinh lần lượt hoàn thành sáu môn thi trong hai ngày. Như mọi năm, để ngăn thí sinh lén mang điện thoại di động, các thiết bị liên lạc cũng như các thiết bị gian lận vào phòng thi, các trường thi thiết lập hệ thống camera, đồng thời gắn các cổng rà kim loại. Chính vì vậy mà các thí sinh nữ cũng không được mặc áo lót có móc khóa kim loại, theo tờ Shanghaiist. Trong cuộc thi vào năm 2015, một điểm thi tại tỉnh Hồ Nam thậm chí đã sử dụng máy bay không người lái sử dụng sóng vô tuyến để giám sát thí sinh. Theo trang Mashable, những chiếc máy bay này bay trên địa điểm khảo thí khoảng 300 m và rà soát một khu vực rộng gần 500 km.
Canh gác bằng súng đạn
Tuy nhiên, kỳ thi ĐH năm nay còn được siết chặt an ninh hơn thế. Tân Hoa xã đưa tin đây là năm đầu tiên chính quyền Bắc Kinh cử lực lượng đặc nhiệm SWAT đảm nhiệm vai trò chuyển đề thi đến các địa điểm khảo thí. Bên cạnh đó, đây cũng là năm đầu tiên áp dụng biện pháp mạnh như phạt tù giam lên đến bảy năm đối với nạn gian lận trong thi cử. Quyết định này của TQ đã trở thành một hiện tượng của truyền thông quốc tế. Bởi lẽ việc phạt tù bảy năm cũng tương tự hành vi tông chết người rồi bỏ trốn. Bản thân xã hội trong nước cũng có những tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Một phụ huynh trả lời Tân Hoa xã: “Tác động của việc gian lận đến xã hội không nghiêm trọng đến mức đấy, cho nên tôi nghĩ sẽ đưa sự việc đi quá xa khi biến gian lận thành tội hình sự”. Trong khi đó, nhiều người cho rằng đây là hành động nên làm để đảm bảo tính công bằng. Trong phỏng vấn của The New York Times, một tân sinh viên Học viện Công nghệ Bắc Kinh cho biết: “Việc loại bỏ gian lận trong gaokao rất cần thiết. Gian lận ảnh hưởng đến mọi người”.
Dù gây nên tranh cãi, tuy nhiên cần phải nhìn nhận chính quyền TQ đã có những nỗ lực nhằm đảm bảo tính công bằng của cuộc thi. Để đối phó với kỳ thi với kết quả cao, gian lận tại TQ đã gần như trở thành một nghệ thuật.
Camera được gắn trong mắt kính trong khi bộ phận nhận thông tin được gắn trong đồng tiền. Ảnh: REUTERS
Công nghệ gian lận đến điệp viên 007 cũng ghen tị
Nền khoa học công nghệ tiên tiến đã tạo điều kiện để nghệ thuật gian lận “chuyên nghiệp” phát triển ở TQ. Với một khoản chi phí nhất định, các sĩ tử có thể trang bị cho mình một chiếc bút, mắt kính có gắn camera ở bên trong. Thậm chí, tại Thành Đô, trong kỳ thi năm 2015, một hệ thống gian lận tinh vi được phát hiện gắn trong áo chuyên nghiệp đến mức khiến điệp viên 007 cũng phải ghen tị.
Áp lực kinh hoàng nảy sinh gian lận
Trong kỳ thi năm nay, ngay trong ngày thi đầu tiên, một vụ tự tử đã diễn ra tại Nội Mông Cổ. Vào năm 2015, sau khi hai học sinh tự tử vì áp lực thi cử, Trường Trung học Hengshui số 2, tỉnh Hồ Bắc đã thiết lập những rào chắn ngăn tự tử. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khác đã phải lạm dụng đến các loại thuốc bổ não. Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, thí sinh Cao Hồng chia sẻ về lý do sử dụng thuốc bổ não: “Tôi không tin vào thuốc 100% nhưng tôi chỉ có 1% để đậu ĐH danh giá”. Đó là những minh chứng hiện thực nhất về gánh nặng trên vai sĩ tử TQ mỗi mùa thi.
Ở một kỳ thi có tỉ lệ chọi cao, các thí sinh TQ luôn phải chịu những áp lực kinh hoàng về học tập. Họ phải học liên tục từ sáng đến tối để có thể đảm bảo khả năng được vào những trường ĐH tốt nhằm tìm kiếm một cơ hội việc làm tốt sau này. Ngay cả Quan Hiểu Đồng, nữ diễn viên tuổi teen được mệnh danh là “quốc dân khuê nữ” của TQ, cũng đã từng thổ lộ rằng cô phải học 12 giờ một ngày. Thậm chí trước ngày thi cô cũng học đến tận 12 giờ đêm. Hơn thế, cùng sự phát triển của phương pháp gia sư trên mạng, thời gian luyện thi của các sĩ tử lại được kéo giãn ra, có khi diễn ra xuyên đêm. Đến cả khi bị bệnh hoặc phải thở bằng bình ôxy, các sĩ tử cũng không dám lơ là sách vở.
Để giảm áp lực thi cử, các sĩ tử thường xé sách và ném xuống các tòa nhà để giải tỏa tâm lý căng thẳng. Đây gần như là hình ảnh đặc trưng trước ngày thi tại quốc gia Đông Á này và thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh. Tuy nhiên, năm nay “văn hóa học đường” này cùng với việc la hét trong hành lang cũng đã bị cấm tại TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến khiến các bạn trẻ phải tìm đến những hoạt động khác.
Trong một xã hội phương Đông trọng Nho giáo như TQ, sẽ là một hành trình dài để có những cải tiến thiết thực cũng như thay đổi cách nhận thức về con đường phát triển cá nhân. Bởi lẽ ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Thi đại học Trung Quốc ngày càng thiếu công bằng Scott Rozelle, một nhà nghiên cứu giáo dục TQ tại ĐH Stanford, trao đổi với Bloomberg rằng thi ĐH ở TQ mang tính thiếu công bằng cao, đặc biệt là đối với gần 100 triệu học sinh vùng sâu, vùng xa. Theo đó, các học sinh này không tiếp cận được quá trình giảng dạy chất lượng cao. Trong khi đó, hệ thống hạn ngạch phân bổ của các trường ĐH trọng điểm ở các tỉnh, TP vốn ưu tiên nhiều cho học sinh có hộ khẩu địa phương. Như vậy, học sinh tại các TP có tỉ lệ đậu cao hơn 7-11 lần so với các thí sinh từ các vùng khác. Nhà nghiên cứu trong nước Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục TK XXI, đưa ra số liệu rằng thông thường thí sinh đến từ vùng sâu, vùng xa đạt ít hơn 40 điểm so với thí sinh TP. Thế nhưng, khi dự án mong muốn tạo điều kiện cho phép 78.000 học sinh vùng sâu, vùng xa được vào ĐH tại Hồ Bắc và Giang Tô, những cuộc biểu tình đã nổ ra. Tờ Wall Street Journal đã đưa tin về những cuộc xuống đường giữa tháng 5-2016, các bậc phụ huynh tại sáu TP thuộc tỉnh Giang Tô đã xuống đường khi lo sợ rằng kế hoạch này sẽ đe dọa khả năng đậu ĐH của con họ. |