Thi THPT chủ yếu xét tốt nghiệp, tuyển sinh CĐ-ĐH tính sao?

Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, sáng 21-4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết các phương án mà bộ đưa ra đều tính toán sao cho khách quan, trung thực, vừa đảm bảo phù hợp nhất với tình hình dịch.

Các ý kiến tại cuộc họp đã chọn phương án vẫn tổ chức thi nhưng sẽ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh (HS) phổ thông cả nước. Điều này nhằm bảo đảm khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của luật.

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính. Địa phương được giao chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.

Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong luật.

Vẫn thi THPT

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, cho biết quyết định trên phù hợp với Luật Giáo dục, vẫn tổ chức một kỳ thi nhưng không còn hai trong một, mục đích chính là xét tốt nghiệp. Điều này làm giảm áp lực về kiến thức nâng cao.

“Kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp nên phải giảm môn thi. Đồng thời, sau khi đi học lại, bộ phải chú ý đến việc cắt giảm số cột điểm và lượng kiến thức nâng cao xét tuyển ĐH thì nên cắt bỏ” - ông Phú nói.

Theo ông Phú, quyết định giao quyền tuyển sinh về các ĐH rất phù hợp, thể hiện vai trò tự chủ của các trường ĐH. Tuy nhiên, cũng gây áp lực cho HS, vừa thi tốt nghiệp, vừa phải tính toán xét tuyển vào cao đẳng (CĐ), ĐH do đó các trường phải linh động. Linh động trong phương thức xét tuyển như xét năm học kỳ; dựa vào kết quả thi THPT; các trường phải có phương án xét tuyển riêng nếu muốn.

“Tuy nhiên, nếu xét tuyển riêng, các trường phải dựa trên nền kiến thức cơ bản của ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đáp ứng được nguyện vọng học hành của HS trong suốt thời gian qua” - ông Phú nói thêm.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại tỉnh Bình Thuận chia sẻ, với phương án này, kỳ thi lại trở về như trước đây. Việc tổ chức kỳ thi như trên sẽ giảm kinh phí của Nhà nước, đem lại sự chủ động cho từng địa phương nhưng áp lực đối với HS lại tăng gấp đôi.

Học sinh lớp 12 trong cả nước đang đứng trước hai thử thách: Thi tốt nghiệp và xét tuyển hay thi tuyển vào CĐ-ĐH. Ảnh: CTV

“Sự thay đổi trên đối với việc xét tốt nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhưng vấn đề cần quan tâm là các trường ĐH sẽ xét tuyển như thế nào. Các trường sẽ được chủ động trong tuyển sinh nhưng sự chủ động đó sẽ gây khó cho HS. Bởi nếu các trường xét học bạ thì sẽ không công bằng giữa các trường. Nếu các trường tự ra đề thì chuẩn ra đề với mức độ yêu cầu sẽ khác. Do đó, các em sẽ phải đăng ký ôn tập theo chuẩn ra đề của từng trường. Và như thế HS lại phải tham dự thêm một kỳ thi nữa” - vị này nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, cho biết việc tổ chức kỳ thi giúp HS duy trì động lực học tập và đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, nếu duy trì một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thì không khả thi vì tỉ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm rất cao, kinh phí tổ chức một kỳ thi rất tốn kém.

Thứ hai, chắc chắn các trường ĐH tốp trên sẽ tổ chức thêm kỳ thi để chọn HS (bên cạnh xét học bạ và có thể xét điểm một số môn trong bài thi THPT). Việc này sẽ tốn thêm kinh phí từ phụ huynh như ăn ở, ôn thi, đi lại. Chưa kể các trường ĐH tổ chức thi riêng lại phát sinh vấn đề học luyện thi, công tác tổ chức - quản lý thi.

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo mục đích của kỳ thi, khách quan, trung thực và minh bạch. Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH xét tuyển. Đồng thời, sẽ công bố sớm để các trường, các địa phương vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo việc học và dạy, đáp ứng kỳ thi tốt nhất.

Bộ trưởng GD&ĐT PHÙNG XUÂN NHẠ 

Thi đánh giá năng lực, phát triển trung tâm khảo thí

PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng phương án về kỳ thi THPT quốc gia năm nay là hợp lý, không chỉ năm nay mà còn cả lâu dài. Bởi như vậy, kỳ thi vẫn đáp ứng được Luật Giáo dục là HS có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quy mô thì giao về địa phương sẽ đảm bảo được việc HS vẫn phải ôn tập để đáp ứng kỳ thi và đánh giá được chất lượng dạy và học ở phổ thông.

Riêng đối với ĐH Quốc gia TP.HCM, những năm gần đây cũng đã xây dựng phương án thi đánh giá năng lực nên ĐH Quốc gia sẽ tiếp tục phát triển kỳ thi để phục vụ tuyển sinh của các trường thành viên. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kết quả này cho các trường CĐ-ĐH có nhu cầu để làm căn cứ xét tuyển. Như năm nay cũng đã có hơn 50 trường sử dụng kết quả này.

Về giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường CĐ-ĐH, theo PGS-TS Quân, đây là chủ trương đúng vì Luật Giáo dục ĐH cũng đã quy định quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan chức năng nên khuyến khích phát triển các trung tâm khảo thí như trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia để phát triển kỳ thi đánh giá năng lực một cách độc lập.

Việc này sẽ nâng cao hiệu quả đánh giá, giảm chi phí cho phụ huynh, HS và đảm bảo được phân loại chính xác năng lực thí sinh cũng như theo xét tuyển của các trường. Hơn là để các trường tự tổ chức, sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, nên đầu tư cho các trung tâm khảo thí để xây dựng được các chương trình khảo thí dành riêng cho xét tuyển ĐH sẽ hiệu quả hơn.

Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng ủng hộ phương án tổ chức thi THPT năm nay. Theo ông, kỳ thi được tổ chức ở các địa phương để xét tốt nghiệp THPT là chính nên sẽ không đủ tin cậy để xét tuyển vào ĐH nhưng đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, sẽ đỡ tốn kém chung cho khâu tổ chức và giảm tải gánh nặng chi phí cho phụ huynh, HS.

Với phương án như vậy, PGS-TS Dũng cũng cho biết trường sẽ chuyển sang tuyển sinh bằng xét học bạ năm học kỳ bởi nếu nhiều trường tổ chức thi xét tuyển riêng sẽ gây tốn kém rất lớn cho thí sinh. Tuy nhiên, nếu xét học bạ, chắc chắn điểm trúng tuyển vào trường sẽ cao, 27-28 điểm hoặc ưu tiên HS ở các trường chuyên, trường tốp 100, 200.

PGS Dũng cũng lo ngại việc xét tuyển học bạ ít nhiều sẽ bất lợi cho những HS giỏi vì ở các trường chuyên việc đánh giá HS gắt gao hơn, hoặc các em chỉ học giỏi những môn sẽ xét tuyển ĐH chứ không đồng đều các môn. Do đó, ông Dũng cho biết sắp tới trường sẽ xem xét có thêm phương án cộng điểm ưu tiên cho những em học ở trường chuyên hoặc trong tốp 200 để đảm bảo có lợi cho các em nhất.

Chủ yếu xét tốt nghiệp, CĐ-ĐH tự chủ tuyển sinh

Tại cuộc họp sáng 21-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay nằm trong bối cảnh dịch COVID-19 nên phải điều chỉnh cả về thời gian và lượng kiến thức.

Bên cạnh đó, kỳ thi diễn ra sau khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH chính thức có hiệu lực, đúng với lộ trình đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử dạy và học ở phổ thông từ năm năm nay; cũng như đổi mới ở bậc ĐH là tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm định. Kỳ thi này vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH. Nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo yêu cầu cải tổ trước một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, không nặng nề quá mức cần thiết.

Phó Thủ tướng cho rằng khi kỳ thi này tổ chức khách quan, trung thực, không chỉ đánh giá chất lượng dạy và học ở bậc học THPT mà sẽ là cơ sở giúp các trường ĐH xét tuyển. “Toàn xã hội quan tâm tới thi cử, mặc dù thi là quyền quyết định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng cũng như mọi năm, bộ phải hoàn thiện phương án thi tốt nhất phù hợp với thực tế và tiếp tục các giải pháp chống dịch COVID-19 để báo cáo Chính phủ” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm