Thi tốt nghiệp THPT: Bốn môn

Tại hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014, công tác thi và tuyển sinh năm 2014 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 13-2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đa số ý kiến đồng tình thi tốt nghiệp THPT bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn, hai môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.

Băn khoăn tỉ lệ 20% miễn thi tốt nghiệp

Về quy định sẽ có tối đa 20% học sinh được miễn thi, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng dạy học giữa các tỉnh, thành không đồng đều nhưng Bộ GD&ĐT lại quy định đồng loạt tỉ lệ miễn thi như vậy là không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, băn khoăn việc xét đối tượng được miễn thi không hề đơn giản mà hết sức phức tạp, chưa kể các vấn đề phát sinh. “Tôi nghĩ rằng không nên miễn thi 20%” - ông Tuấn phát biểu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HUY HÀ

Đồng quan điểm trên, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng việc miễn thi 20% không giảm nhẹ, tiết kiệm được bao nhiêu trong khi rất phức tạp và khó khăn khi thực hiện, vì thế Bộ nên cân nhắc. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hùng thì đề nghị: “Nếu Bộ vẫn giữ quan điểm miễn thi 20% thì Bộ nên có một khung cứng, lường trước tất cả các tình huống, các yếu tố đầy đủ và chi tiết như một cái sàng chung để các trường căn cứ vào đó mà xét đối tượng miễn thi”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng băn khoăn trước dự kiến của Bộ GD&ĐT về việc sẽ miễn 20% tỉ lệ học sinh khá, giỏi không phải thi tốt nghiệp. “Nếu thực tế 98% thi tốt nghiệp đỗ thì tại sao phải miễn 20% và nếu thi tốt nghiệp nhẹ nhàng thì tại sao phải miễn, thậm chí không nên miễn cho bất kỳ ai. Một kỳ thi nặng nề, không cần thiết thì bỏ đi. Nhưng nếu nặng nề mà cần thiết thì vẫn phải giữ” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phải công bố sớm phương án thi cho học sinh, đừng để học sinh năm nào cũng hồi hộp không biết năm nay thi như thế nào, thi môn gì. “Nếu được thì công bố trước kỳ nghỉ hè hoặc trước khai giảng năm học mới” - Phó Thủ tướng nói thêm.

Môn ngoại ngữ cũng chưa quyết được

Ngoài đối tượng miễn thi thì môn ngoại ngữ cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, môn ngoại ngữ là môn tự chọn, học sinh thi để cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị đưa môn ngoại ngữ thành môn tự chọn để đảm bảo sự công bằng.

Về tự chủ tuyển sinh trong tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, Bộ GD&ĐT cho biết đến ngày 10-2 đã có 50 trường ĐH-CĐ (trong đó có 10 trường khối văn hóa nghệ thuật thực hiện từ năm 2012) gửi đề án tuyển sinh về Bộ, trong đó có 25 đề án đáp ứng được các quy định đưa ra trong dự thảo.

 

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hùng cho rằng nên đưa môn ngoại ngữ là môn tự chọn, không nên là môn khuyến khích cộng điểm như các môn khác. “Nhiều năm nay ngoại ngữ là môn bắt buộc, bây giờ môn ngoại ngữ lại trở thành môn khuyến khích thì không nên, vì thế môn này ít nhất phải trở thành môn tự chọn. Chúng ta nên giữ nó đi ngang hơn là để nó trùng xuống, hơn nữa chúng ta đang thực hiện đề án phổ cập ngoại ngữ đến năm 2020” - ông Hùng nói.

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng nếu ngoại ngữ là môn khuyến khích thì rất thiệt thòi cho những em thi khối A và khối D. “Nếu xác định thi tự chọn mà không được chọn môn ngoại ngữ thì những em học giỏi ngoại ngữ sẽ rất thiệt thòi” - vị này nói.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phải đưa ngoại ngữ là môn bắt buộc cùng với toán và ngữ văn. Bởi nếu không phải là môn bắt buộc sẽ làm ảnh hưởng đến việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Đồng thời, môn này là công cụ không thể thiếu đối với học sinh trong quá trình hội nhập.

Trước các ý kiến phát biểu nhiều chiều, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu, thảo luận và cân nhắc các vấn đề trên một cách nghiêm túc và cầu thị.

HUY HÀ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Chấn chỉnh hát quốc ca bằng máy

Phát biểu tại hội nghị của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng có mấy thứ cần xem xét và chấn chỉnh. Đó là việc hát quốc ca trong giờ chào cờ, tập thể dục giữa giờ và vấn đề vệ sinh, trực nhật.

Phó Thủ tướng nói rằng: “Ngày xưa tất cả sự kiện trong trường đều hát quốc ca nhưng hiện nay thì phần lớn các trường mở nhạc quốc ca có sẵn. Rồi vấn đề tập thể dục giữa giờ, ngày xưa tập rất khí thế. Tập xong thầy cô hô: Rèn luyện thân thể, học sinh hô: Bảo vệ Tổ quốc. Thầy cô hô: Rèn luyện thân thể, học sinh hô: Thống nhất đất nước. Giờ rèn luyện thân thể để bảo vệ Tổ quốc, để kiến thiết đất nước có cần không?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng cũng nhớ lại thời đi học phân công trực nhật, hằng tuần có tham gia hoạt động trồng cây nhưng giờ những công việc đó các trường thuê dịch vụ. “Làm như vậy con cháu chúng ta không biết lao động là gì, không biết lao động thì không yêu lao động, không yêu lao động thì không yêu người lao động” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm