Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2022, mở rộng phạm vi các loại giấy tờ có giá được phép lưu ký tại NHNN để thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ.
Mặc dù việc khi nào và với những điều kiện hay cơ chế nào các ngân hàng có thể vay vốn tại NHNN thông qua trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng vẫn chưa rõ. Thông tư này vẫn mang lại một số hy vọng cho những ngân hàng có tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn.
Theo SSI, quan trọng nhất, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 mới ban hành đã được thảo luận trong những tuần cuối cùng của năm 2022.
Nếu dự thảo này được thông qua, áp lực đối với lợi nhuận của các ngân hàng có thể phần nào giảm bớt trong giai đoạn 2023-2024, vì các khoản thanh toán gốc trái phiếu có thể được hoãn lại thêm hai năm nữa, với điều kiện là tổ chức phát hành nhận được sự chấp thuận từ 65% trái chủ.
"Với quyết tâm nhằm hỗ trợ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, có khả năng quá trình tái cơ cấu và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo cách thức có thể đạt được tình trạng “hạ cánh mềm”.
Do đó, trong kịch bản cơ sở, chúng tôi đưa ra giả định thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ cánh mềm trong năm 2023 với việc dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được ban hành. Điều này sẽ giúp cho cả ngân hàng và các chủ đầu tư bất động sản có thêm thời gian giải quyết vấn đề của mình" - SSI nhận định.
Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến hết tháng 12-2022, nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỉ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm.
Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỉ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 210.830 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn.