Những kỷ lục được lập ra nhiều nhất có lẽ đó là trong lĩnh vực ẩm thực. Những chiếc bánh khổng lồ mang đặc trưng nhiều vùng miền đã được xác lập.
Ở mặt hình thức, người ta khoác lên những kỷ lục ẩm thực đó nhiều tầng ý nghĩa rất chung, đó là một cách quảng bá cho ẩm thực của địa phương, vùng miền đó. Tuy nhiên, chẳng cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực ăn uống cũng đủ hiểu những đồ ăn khổng lồ không bao giờ đạt đến độ ngon, độ tinh túy bằng những thứ được chế biến đúng với kích thước vốn có của nó. Ở một tầng nghĩa sâu xa hơn, nhìn vào những đồ ăn kỷ lục có cảm giác như chúng ta đang phải khỏa lấp tâm lý của những năm tháng đi qua đói kém. Cũng hệt một đứa trẻ đói ăn khi thèm một chiếc đùi gà nướng thì chiếc đùi gà đó phải to, phải cắn ngập răng mới đã.
Kỷ lục cũng là một cách để gây dấu ấn tức thì, lôi kéo sự chú ý của nhiều người. Kỷ lục không phải lúc nào cũng đáng bị phê phán nhưng có những kỷ lục khiến người ta phải đặt ra nhiều câu hỏi. Câu hỏi về sự cần thiết, về giá trị đem lại có tương xứng với công sức bỏ ra hay không. Gần đây, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã nói kỷ lục nước ta thường thô sơ, thiên về số lượng và khối lượng, không có sự sâu sắc, tinh tế.
Còn PGS-TS Trịnh Hòa Bình thì cho rằng tâm lý của người Việt rất thích khoe mẽ. Việc người giàu có khoe của, tiêu tiền lãng phí là một hành động phản cảm diễn ra hằng ngày ở nước ta. Người Việt mắc căn bệnh hình thức, thích thể hiện qua cái nhất, cái kỷ lục. Không chỉ câu chuyện tháp mà cái gì cũng thích nhất.
Trong khi đó, ThS Đinh Đoàn - chuyên gia tư vấn tâm lý thì cho rằng một xã hội phát triển, thể hiện bằng thu nhập quốc dân, bằng mức sống, chất lượng sống của con người, bằng môi trường tự nhiên và xã hội thân thiện, bằng văn hóa ứng xử. Nếu đạt được điều đó, người ta không cần phải cố tự hào bằng những thứ như “có con sông dài nhất thế giới”, “lãnh thổ rộng nhất thế giới”, “có cụ già sống thọ nhất thế giới” hay “ông lão có chòm râu dài nhất thế giới”, “có lịch sử lâu đời nhất thế giới”.
Chẳng phải vô lý khi người ta hay đề cập đến sự khoe mẽ gắn với những người giàu xổi, bỗng nhiên giàu, bất chợt có của. Những người đó không chủ động để đón nhận với sự thay đổi về vật chất, không có sẵn nền tảng về văn hóa để điều chỉnh hành vi của mình. Để bù đắp cho sự bị khinh miệt bản thân, họ cố gắng tô trét lên mình thật nhiều hào quang. Đi phải đi xe xịn nhất làng nhất phố, xây nhà phải to đẹp nhất phố nhất làng. Ở một góc độ nào đó, bệnh thích kỷ lục cũng có căn nguyên như người giàu xổi ấy, nhu cầu được chú ý, được coi trọng tồn tại cố hữu trong mỗi cá nhân nhưng khi người ta không đủ tri thức, không đủ tầm nhìn và văn hóa thì làm cái gì to nhất, xây cái gì đẹp nhất là một cách lười nhưng hiệu quả để quảng bá, để thỏa mãn thói háo danh của mình.
Phú Thọ nói không với lễ vật kỷ lục Ly cà phê dung tích hơn 3.600 lít, phục vụ khoảng 30.000 cốc thông thường; chai rượu cao 5,2 m, đường kính 1,17 m với dung tích khoảng 4.000 lít; bánh chưng, bánh giầy nặng hàng trăm ký… là những lễ vật kỷ lục từng được các đơn vị, doanh nghiệp cung tiến mỗi khi diễn ra lễ hội đền Hùng. Tuy nhiên, từ năm 2014, ban tổ chức lễ hội đền Hùng đã kiên quyết từ chối những lễ vật khổng lồ. Trong lễ hội năm 2014, ban tổ chức đã từ chối hai hồ sơ đề nghị cung tiến gồm khinh khí cầu và lá cờ khổng lồ. Tại lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay, thông điệp này tiếp tục được ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nhấn mạnh. Theo đó, ban tổ chức không nhận những vật phẩm cung tiến khổng lồ, mang tính kỷ lục như bánh chưng, bánh giầy mà báo chí đã phản ánh thời gian qua. |