PLO xin lược trích bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người vừa viên tịch vào rạng sáng nay 22-1-2022 (20 tháng Chạp Tân Sửu):
"Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ
Medford, tháng tám 1962.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người khởi xướng 'Bông hồng cài áo' ngày lễ Vu Lan. Ảnh: Tư liệu
Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn.
Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: tại nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi.
Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:
“Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.”
Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:
“Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Tản văn 'Bông hồng cài áo' được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962.
Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương.
Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.
Ngày Vu Lan với nghi thức cài hoa hồng. Ảnh minh họa
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân.
Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương.
Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
(...) Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý.
Hoa hồng trắng biểu trưng người con phật tử đã mất mẹ. Ảnh minh họa
Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi".
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - người đã sáng tác 'Bông hồng cài áo' từ tản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh tư liệu
Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác từ tản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962. Bông hồng cài áo trở thành ca khúc được hát nhiều nhất trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu (rằm tháng bảy) của đạo Phật.
Danh ca Giao Linh thể hiện 'Bông hồng cài áo'. Nguồn THVL1/Youtube
Theo TT.Thích Thiện Hạnh viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học (Số tháng 7-2019): "Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan xuất phát từ ý tưởng và đề xuất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh những năm 1960.
Nghi lễ bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh minh họa
Với nghi lễ bông hồng cài áo, lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhớ mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ đã vất vả, chắt chiu, hi sinh tất cả vì con".
Trong chương trình Chân dung cuộc tình, tập 6 (phát sóng trên THVL1, 8-2021), nữ danh ca Phương Dung xúc động nói: “Bao nhiêu lần hát Bông hồng cài áo, tôi đều xúc động. Sau nhiều năm làm con và bây giờ làm mẹ, tôi càng thấm thía nhiều hơn tình cảm đó. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con. Mỗi đứa con, tôi thương theo cách khác nhau. Tôi sợ mai đây tôi lìa xa các con mà chưa thổ lộ nhiều với các con. Khi nhớ lại những lần lỡ la mắng, đánh con, nhiều khi tôi cũng đau.
Danh ca Phương Dung. Ảnh: SV
Đây là một bài hát tôi thích nhất trong gia tài của Phạm Thế Mỹ. Tôi mong các con hiểu sâu xa hơn bài Bông hồng cài áo này, để sau này tôi có đi xa thì các con nhớ và truyền cho các cháu sau này”.