Việc rà soát sẽ tập trung vào các vấn đề như các khu vực này đã xây dựng trường học chưa, nếu xây trường rồi thì tại sao không hoạt động…
Thực ra đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức rà soát vấn đề xây dựng trường học tại các khu đô thị. Trước đó từng có những câu hỏi chất vấn tại Quốc hội, rồi HĐND TP, nhất là khi báo chí phản ánh tình trạng phụ huynh xếp hàng qua đêm, đạp đổ cổng trường để xin một suất học cho con, cháu… thì lãnh đạo TP lại cho rà soát, báo cáo. Vì thế nghe thấy việc lại đi kiểm tra, rà soát, người dân thủ đô cho rằng mấu chốt là TP sẽ có thay đổi gì để việc xây dựng trường lớp được thực hiện?
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn lại nghĩ khác. Họ cho rằng việc thiếu trường học trong các khu đô thị lại là trách nhiệm của chính TP khi phê duyệt dự án chứ không thể đổ cho sự thiếu quan tâm của chủ đầu tư. Đã có những quy định khắt khe về việc xây dựng dự án phải có những tiện ích công cộng, trong đó có xây dựng trường học, thế nhưng tại sao một số dự án khi phê duyệt TP không yêu cầu? Hoặc có yêu cầu nhưng tại sao sau đó lại cho phép chủ đầu tư sửa đổi công năng? Hoặc khi chủ đầu tư dành quỹ đất để xây trường thì TP chậm xác định nguồn vốn đầu tư xây dựng trường là thuộc ngân sách, xã hội hóa hay là trách nhiệm của chủ đầu tư do lợi thế được hưởng từ ưu đãi chính sách?
Ngoài lý do nêu trên, còn có sự thiếu kiểm tra, giám sát của các sở, ngành chức năng nên mới dẫn đến tình trạng này. Cụ thể cấp tham mưu này khi phát hiện tình trạng thiếu trường học đã không đề xuất chế tài đủ mạnh đối với các chủ đầu tư khu đô thị, khu tái định cư không thực hiện hoặc chậm thực hiện xây dựng công trình hạ tầng xã hội, trường học trong khu đô thị theo quy hoạch.
Cho nên TP rà soát thì cứ rà soát, còn phụ huynh lo thì cứ lo thôi… khi trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng!
VẠN BẢO