Cũng trong trận đấy có tình huống làm hàng rào nhưng hết cầu thủ này đến cầu thủ kia lao lên trước còi và đều bị trọng tài rút thẻ phạt. Sau trận đấu đấy (thua 0-2), HLV Calisto đã có cuộc họp kéo dài gần sáu tiếng với các tuyển thủ và nhắc đi nhắc lại căn bệnh khó sửa ở V-League luôn làm hại đội tuyển Việt Nam khi các cầu thủ ra sân chơi quốc tế. Ông nói: “Tôi không hiểu tại sao ở V-League thì các bạn “được quyền” tranh luận và lớn tiếng với trọng tài và cũng ở V-League, các bạn được dung túng để thực hiện những pha bóng bạo lực hay những hành động trước còi. Điều mà ai cũng biết là hành vi cấm và phải trả giá bằng thẻ phạt và thậm chí là thẻ đỏ…”.
Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ vì thói quen V-League. Ảnh: TUỔI TRẺ
Bài học đấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở AFF Cup. Kỳ cựu như Đình Luật vẫn phải nhận thẻ đỏ từ tình huống mà ai cũng nói ở V-League cùng lắm là thẻ vàng. Hay hai cú chèn người lấy bóng tại lượt đi bán kết của Quế Ngọc Hải (một ở hiệp 1 ngay trước khu 16,5 m và một dẫn đến quả 11 m) đều bị trọng tài phạt và đều dẫn đến phản ứng của cầu thủ nhà phân trần là mình lấy bóng hợp lệ.
Căn bệnh ở V-League được dung túng và có khi còn được khuyến khích trong sự yếm thế của trọng tài đã trở nên “nạn” ở AFF Cup mà rõ nhất là trận bán kết lượt về. Khi mà sang sân khách Indonesia không dám chơi bóng bạo lực thì ta lại mất người do cú đánh nguội của Nguyên Mạnh khi đội đã hết quyền thay người. Nguyên Mạnh đã đặt dấu chấm hết cho toàn đội bởi cú đánh trả không cần thiết nhưng xứng đáng nhận thẻ đỏ.
Ông Calisto từng dạy các cầu thủ khi đá AFF Cup thì đừng mang “luật V-League” ra chơi và ông mất rất nhiều thời gian để chỉnh họ.
Nói các trọng tài ta dung túng để nhiều cầu thủ thành “tật” thì mới chỉ đúng một phần. Phần còn lại phải được thể hiện từ chính công tác điều hành nghiêm với cầu thủ nhà và từ giải nhà để ra sân chơi quốc tế không bị “chết vì thói quen”.