Các công ty 'bật mí' phương án giữ chân người lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM, cho biết Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam tại TP Thủ Đức là công ty sản xuất giày da, dù không hoạt động hơn hai tháng nay nhưng mỗi ngày công ty vẫn chi khoảng 5 tỉ đồng để trả lương cho 31.000 công nhân.

Theo chia sẻ của NLĐ của Công ty Intel Products Vietnam trong thời gian làm việc “ba tại chỗ”, ngoài lương, công ty còn hỗ trợ mỗi ngày 500.000 đồng/người.

Công nhân Công ty Kim loại Sheng Bang (Khu công nghiệp Song Mây,
Trảng Bom, Đồng Nai) sản xuất “ba tại chỗ”. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng cho hay công ty có 400 công nhân nhưng khi thực hiện sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” thì chỉ có một nửa làm việc. Tuy nhiên, công ty cũng nhận ra rằng nếu không có chiến lược giữ chân công nhân thì hậu COVID-19 sẽ thiếu lao động trầm trọng. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuyển được lao động có kỹ năng nghề thì sẽ mất nhiều thời gian đào tạo, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Do đó, trong gần ba tháng thực hiện “ba tại chỗ”, lãnh đạo công ty đã vào nhà máy cùng ăn, ở và làm việc với công nhân, cùng với đó là tổ chức những bữa ăn như trong gia đình để tăng cường động lực và niềm tin cho công nhân. Công ty cũng tiếp cận được nguồn vaccine phòng COVID-19 từ khá sớm nên quá trình sản xuất phát hiện 15 F0 nhưng tất cả đều đã an toàn.

Ông Dũng cho rằng chính sự gần gũi, chăm sóc tốt về tinh thần và đời sống nên công ty đã giữ chân được hầu hết công nhân. “Công ty chúng tôi đã giữ chân được hầu hết NLĐ, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ NLĐ tốt hơn để họ có thể yên tâm làm việc” - ông Dũng nói.

Từ góc nhìn của nhà cung cấp các giải pháp tiền lương và nhân sự, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet Corporation, cho rằng việc hỗ trợ về vật chất là điều quan trọng để DN giữ chân NLĐ trong giai đoạn phục hồi sản xuất. Bà Trinh cũng lưu ý các DN cần linh hoạt để trả lương, thưởng xứng đáng, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân NLĐ…

Trên thực tế đã có một số công ty lập quỹ để hỗ trợ công nhân như Công ty CP May Sài Gòn 3. Theo kế hoạch, công ty sẽ bắt tay sản xuất vào tuần này và cũng đang đối mặt với nỗi lo thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty khá lạc quan vì đa phần NLĐ đều gắn bó lâu năm với công ty và có tinh thần chia sẻ với DN. Đến nay, ngoài việc tiêm vaccine cho 80% NLĐ, công ty còn lập quỹ chăm lo cho NLĐ để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Hiện đơn hàng của công ty rất tốt nên chúng tôi sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất để ổn định phát triển” - lãnh đạo Công ty May Sài Gòn 3 chia sẻ. 

Công nhân vui mừng vì được đi làm trở lại

Thời điểm này, Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM đã có hướng dẫn các tiêu chí hoạt động để DN phục hồi sản xuất sau ngày 30-9. Nhiều công ty đã thông báo cho NLĐ đi xét nghiệm, lấy kết quả để vào nhà máy làm việc từ đầu tuần này.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Định làm công nhân khuôn đế giày tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức, TP.HCM). Gần ba tháng “ai ở đâu ở yên đó”, cả nhà năm nhân khẩu chỉ sống nhờ vào hai tháng lương tối thiểu khoảng 9 triệu đồng của anh. Anh Định hồ hởi thông báo công ty của vợ chồng anh sắp hoạt động trở lại. “Ngày 3-10, ai ở TP.HCM thì cho đi xét nghiệm PCR, nếu âm tính thì thứ Hai (4-10) vào làm luôn” - anh Định nói.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, cho biết từ tuần này các nhà máy sẽ hoạt động lại bình thường với khoảng 1.500 công nhân để kịp thời hoàn thành các đơn hàng trước đó. “Đây là tin mừng đối với anh chị em công nhân lao động sau nhiều tháng không vào nhà máy làm việc” - bà Vân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm