TP.HCM mở cửa: Tâm thế mới và kỳ vọng tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA), cho biết tâm thế của cộng đồng DN, doanh nhân TP rất phấn khởi, sẵn sàng công việc bình thường mới khi nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại TP.HCM mở trở lại. Nhưng mỗi DN sẽ bắt đầu từng bước chắc chắn, chuẩn bị tốt phương án sản xuất an toàn chứ không vội vã.

100 ngày vàng và sự chủ động của doanh nghiệp

. Phóng viên: Nhìn vào một số lĩnh vực đã được mở cửa trở lại vào thời điểm này, ông đánh giá khả năng thích ứng, bắt nhịp sản xuất của DN tới đây sẽ ra sao?

+ Ông Chu Tiến Dũng (ảnh): Với nội dung chỉ thị mới mà UBND TP.HCM công bố thì hầu hết DN trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung đều có điều kiện để đi vào sản xuất trở lại tương đối thuận lợi. Tất nhiên cũng tùy theo khối khác nhau, đối với khối thương mại, dịch vụ thì quy mô, điều kiện mở cửa trở lại hoạt động cũng phải từ từ.

Thế nhưng DN cũng không thể ngay lập tức mở rộng liền và đạt được công suất sản xuất như trước khi có dịch bởi một số yếu tố sau đây:

Thứ nhất, DN phải tổ chức phương án sản xuất an toàn theo điều kiện mới thì việc này cần phải có thời gian để sắp đặt lại các điều kiện sản xuất, nghiên cứu tổ chức các khu vực sản xuất an toàn theo bộ tiêu chí được TP ban hành.

Thứ hai, DN phải thay đổi toàn diện, hướng dẫn, huấn luyện nhân sự để thích ứng với điều kiện mới. Việc này cũng cần thời gian chứ không thể có chuyện DN vào sản xuất như trước đây.

Thứ ba, về người lao động (NLĐ), dù DN lớn hay nhỏ thì cũng không thể có đủ lao động ngay, cần phải có thời gian. Lượng lao động đang ở TP chiếm một phần, phần lớn đã về quê nên cần nhiều thời gian để kéo họ quay lại TP. Bởi với NLĐ đã về quê, họ phải chờ bao giờ công bố hết dịch, thực sự an toàn thì họ mới ổn định tâm lý, quyết định quay lại TP.HCM làm việc hay không.

Thứ tư, vốn sản xuất thực sự là thách thức của DN, vì thời gian qua họ đã tiêu tốn cạn hết các nguồn tồn kho để đưa vào sản xuất, DN nào thực hiện 3T (ba tại chỗ) thì bây giờ cũng đã sử dụng hết nguồn lực. DN chắc chắn thiếu vốn và khó tiếp cận vốn. Vì vậy, DN sẽ khó khăn trong việc mở rộng quy mô để đi vào hoạt động.

. Tâm thế của DN khi xuất hiện ca F0 trong nhà xưởng, văn phòng sẽ khác với thời điểm trước?

+ Thời gian qua đã có rất nhiều DN từng trải qua việc nhà máy, văn phòng có F0, những DN chưa trải qua cũng đã học hỏi được bài học kinh nghiệm xử lý từ những DN khác. Do đó, sự sẵn sàng để ứng phó của DN với tình huống có những ca F0 xảy ra sẽ tốt hơn, sẽ không có hoảng loạn, rối loạn như trước đây.

Tinh thần, nhận thức của người dân, của NLĐ về việc mình đã tiêm vaccine, chấp hành đầy đủ nguyên tắc phòng chống dịch thì nếu có nhiễm COVID-19, họ cũng cảm thấy bình tĩnh hơn, yên tâm điều trị hơn.

Như vậy, có thể nói tâm thế của DN so với trước đây khác rất xa. Trước đây, tâm thế DN bị động, rối loạn khi có ca nhiễm thì nay DN chuyển sang tâm thế sẵn sàng và chủ động ứng phó.

Nguyên tắc khi xảy ra ca F0 là DN sẽ khoanh vùng nhỏ nhất có thể, tách những ca F0 và những người F1 để xét nghiệm. Thường các DN sẽ dự phòng sẵn khu vực, phòng cách ly khi F0 xuất hiện. DN sẽ có bộ phận y tế hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm, xử lý các tình huống này. Họ cũng kết nối sẵn với các đơn vị dịch vụ y tế hoặc cơ sở y tế địa phương để có thể nhanh chóng hướng dẫn và xử lý kịp thời các tình huống có F0.

. Vậy ông có niềm tin và kỳ vọng phục hồi kinh tế TP.HCM ra sao trong những tháng còn lại của năm 2021?

+ Mở cửa vào thời điểm này cơ hội nhiều, vì quý IV-2021 là quý có nhu cầu tiêu dùng cao. Thế nhưng thực tế điểm rơi của nhu cầu xuất khẩu dịp Noel gần như sắp qua đi. Các DN xuất khẩu hàng hóa cho dịp Noel thường phải bắt đầu từ tháng 9, 10, trong khi chúng ta mới bắt đầu mở cửa trở lại cho nên lượng lớn đơn hàng chỉ rơi vào giai đoạn gần cuối. Vì vậy, khả năng tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong ba tháng cuối năm sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn những quý trước nhưng để lấy lại phong độ là rất khó.

Theo các dự báo, DN phải mất khoảng 1-2 năm mới có thể phục hồi được trạng thái bình thường như thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, nhanh hay chậm cũng còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực và kịch bản sản xuất, kinh doanh bài bản, chuẩn mực của bản thân DN.

Nhiều công ty giữ chân công nhân bằng việc chi trả tiền lương ổn định, phủ vaccine và chăm sóc y tế tốt khi công nhân mắc COVID-19. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Doanh nghiệp thích ứng linh hoạt

. Theo ông, với chỉ thị mới, việc mở cửa của DN cần thực hiện ra sao để vừa an toàn chống dịch vừa hiệu quả trong việc đảm bảo hiệu suất hoạt động kinh doanh vì hiện số ca nhiễm vẫn còn nhiều?

+ Trước hết, toàn bộ DN phải xem xét lại bộ máy quản trị, phương thức quản lý, phương thức kinh doanh, đánh giá lại. Đây là công việc mà DN phải làm để từ đó tái cấu trúc, sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới. Bởi từ hợp đồng lao động, quy chế làm việc… đều phải thay đổi, ban hành mới hết. Khối lượng công việc này không hề nhỏ và DN phải chuẩn bị để xây dựng được môi trường nội quy tương ứng với hành lang pháp lý mới…

Việc tiếp theo cần phải làm là DN bắt tay vào đào tạo, truyền thông nội bộ cho NLĐ để họ hiểu được toàn bộ quy trình vận hành của công ty trong điều kiện bình thường mới.

Một vấn đề được nhiều người nhắc đến là DN phải xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng. DN chuẩn bị nhiều kịch bản, nếu rủi ro (có F0 trong đơn vị, nhà máy…) thế này thì phải làm gì, xử lý ra sao…

Việc nữa là DN cần xây dựng y tế nội bộ để ứng phó với tình hình dịch bệnh. Đây là những yếu tố mới trong sản xuất, kinh doanh mà DN cần củng cố, xây dựng và buộc phải làm. DN cần tăng cường đưa công nghệ vào sản xuất để hạn chế tối đa tiếp xúc…

Khuyến nghị DN phải tự đánh giá lại mình, để từ đó xây dựng kịch bản, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện mới và điều kiện của DN. DN không thể vội vàng, nhắm mắt làm mà phải vừa làm vừa quan sát, chú ý đến tình hình dịch tễ, khảo sát, đánh giá lại. Để từ đó DN điều chỉnh kịp thời, có những thích ứng cho phù hợp.

10%

là số lao động (tương đương 64.000 người) tại 720 DN, ở các khu chế xuất - khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, làm việc theo mô hình “ba tại chỗ”,  “một cung đường - hai điểm đến”, trong giai đoạn TP.HCM giãn cách “ai ở đâu ở yên đó” từ giữa tháng 7-2021. Trước đó, TP.HCM có 470.000 DN với 3,2 triệu công nhân.

. Chính quyền, hiệp hội sẽ đồng hành cùng DN trở lại sản xuất như thế nào, thưa ông?

+ Phương châm cơ bản nhất là quyền chủ động thuộc về từng tổ chức, từng DN và từng NLĐ. Chính quyền cũng sẽ đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi phát sinh xảy ra. Hiện TP.HCM cũng đã phân công một phó chủ tịch đứng ra chủ trì, thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho DN, có tổ công tác theo dõi, nắm bắt tình hình.

Bên cạnh đó, còn có tổ công tác liên ngành TP với các địa phương xung quanh để điều phối vấn đề lưu thông, hàng hóa và lao động. Như vậy, đã có sự quan tâm từ chính quyền, các cấp để đồng hành với DN. Còn lại, cơ bản DN phải chủ động.

Về vấn đề lưu thông hàng hóa, các địa phương phải chấp hành chung theo quy định của Chính phủ, những địa phương nào quy định riêng không đúng thì có thể bị xử lý. Vì thế khâu vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành nhìn chung sẽ thuận lợi.

Về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ cầu nối các DN với nhau để kết nối chuỗi cung ứng mới nhằm tăng năng lực trong hệ thống sản xuất.

Hiệp hội cũng đang đề xuất với TP.HCM phải củng cố lại hệ thống logistics để có những kho bãi lưu trữ dự phòng, bảo quản hàng hóa, nguyên liệu từ các tỉnh về như nông sản, thủy hải sản… Thời gian qua, việc thiếu sự chuẩn bị kho bãi khiến chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh, thành với TP khó khăn, bị đứt gãy.

Một việc quan trọng nữa là kết nối vùng, giữa các địa phương với TP.HCM phải là sự hợp tác không chỉ về kinh tế, lưu thông hàng hóa mà phối hợp cả về vấn đề y tế như tiêm vaccine cho NLĐ…

Đặc biệt, phải củng cố các chuỗi cung ứng quốc tế. Sắp tới đây, TP cũng như các bộ, ngành cần mở nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị khách hàng… để lấy lại niềm tin, khẳng định uy tín của TP.HCM để thu hút lại các đối tác.

. Xin cám ơn ông.

Tạo sự an tâm cho người lao động trở lại

Ông Chu Tiến Dũng cho hay: Trong vòng 1-2 tháng tới, phải chuẩn bị tình huống DN có lao động tại TP bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu vì chưa thể lấy được lao động từ các tỉnh.

Có thể nói NLĐ trong thời gian qua do tác động của đại dịch thực sự đã bị sang chấn tâm lý. Kêu gọi họ trở lại làm việc thì họ cũng còn rất sợ, lo ngại dịch bệnh, thế nên cần nhiều thời gian hơn. Vì vậy DN phải có kế hoạch liên hệ, kết nối với NLĐ, truyền thông cho họ thấy được sự an toàn, để họ có niềm tin, an tâm ngay từ bây giờ. 

Ý KIẾN DOANH NGHIỆP, CHUYÊN GIA

TP.HCM mở cửa: Tâm thế mới và kỳ vọng tăng trưởng ảnh 3
 

Ông NGUYỄN CHÁNH PHƯƠNGPhó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa):

Cần hợp tác trong việc phủ vaccine

Tới đây, TP nên theo dõi sâu hơn thông số COVID-19 trên nhóm ngành nghề, nhóm độ tuổi lao động liên quan đến số ca F0, ca diễn biến nặng, tỉ lệ tử vong để thấy được sự tác động cụ thể đối với lao động và có kịch bản ứng phó phù hợp.

Cùng đó là theo dõi độ phủ vaccine trên chuỗi cung ứng, đặc biệt là NLĐ ở tỉnh chứ không chỉ trên toàn bộ dân cư. Vì hiện nay, DN rất khó để đưa NLĐ trở lại làm việc vì lý do chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine.

Riêng ngành gỗ không thể kiếm được đủ 60%-70% lao động, ngay cả khi điều kiện an toàn trở lại. Hawa kiến nghị TP.HCM nên có các chương trình hợp tác liên tỉnh về vấn đề vaccine. Theo đó, hoặc chuyển lao động từ các tỉnh về TP.HCM để tiêm, hoặc chuyển vaccine cho các tỉnh tiêm cho NLĐ. Giải pháp này cần phải tính sớm.

TP.HCM mở cửa: Tâm thế mới và kỳ vọng tăng trưởng ảnh 4
 

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM:

Cấp phép cho người lao động “giáp ranh” đi làm

DN rất vui mừng khi chủ trương TP.HCM mở cửa lại được ban hành. Ngành dệt may cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, với tư thế quay lại sản xuất từ đầu tuần này.

Một khó khăn hiện nay mà nhiều DN gặp phải là việc di chuyển của công nhân từ các tỉnh lân cận đến TP. Chúng tôi đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi lại, làm việc thì khi họ đã đủ điều kiện về tiêm vaccine, chỉ cần có giấy xác nhận của công ty đó với địa chỉ rõ ràng là ổn. Giải pháp này cần sự thống nhất giữa chính quyền các địa phương có khu công nghiệp, nhà xưởng, DN giáp ranh nhau như TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu.

Riêng với ngành dệt may thì hiện đơn hàng đã có sẵn, nguồn lực lao động cũng không quá lo vì họ đã làm việc lâu năm nên vẫn ở lại TP. Còn lao động thời vụ từ các tỉnh đến không nhiều như các ngành khác.

Hầu hết DN dệt may trong hiệp hội có 100% công nhân được tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 khoảng 80%. Vì vậy, dự kiến khi trở lại sản xuất, DN dệt may có thể huy động được 70%-80% lượng lao động. Nếu tình hình diễn biến bình thường thì DN sẽ củng cố, ổn định sản xuất trong quý IV, từ đầu năm 2022 mới có thể bắt đầu khôi phục.

TP.HCM mở cửa: Tâm thế mới và kỳ vọng tăng trưởng ảnh 5
 

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Năm tỉnh lân cận TP.HCM cần đồng bộ trong đi lại

Với sự mở cửa trở lại của TP.HCM thì kinh tế trong quý IV-2021 sẽ hy vọng tăng mạnh. Tất nhiên là cần có thời gian vì sức mua của người dân vẫn đang giảm mạnh. Tăng trưởng khó nhưng theo tiến trình phục hồi của kinh tế TP.HCM hiện nay thì không lo vì khi mở cửa, nới lỏng thì các hoạt động sẽ dần tự phục hồi.

Gói kích thích kinh tế, hỗ trợ DN lúc này không quan trọng bằng việc TP ngày càng tạo điều kiện, mở dần các quy định, tạo thuận lợi giao thương đi lại.

Ngoài ra, phải coi năm tỉnh, thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu là một nội khu thống nhất trong phát triển kinh tế và cả kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, nếu TP.HCM mở cửa mà các tỉnh xung quanh chưa mở thì bản thân DN cũng vẫn thấy lo ngại.

Vì vậy, khối năm địa phương này cần mạnh dạn kết nối với nhau, đồng bộ quản lý y tế chung, đi lại chung, cộng sinh phát triển. Nhất là phải tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ làm việc ở TP.HCM đi về Bình Dương, Long An hay Đồng Nai và ngược lại. QUANG HUY ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm