Nghe người cổ động Tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam kể chuyện

Hòa vào không khí nô nức những ngày cả nước chào đón 70 năm ngày Tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2015), chúng tôi đã tìm đến ông Trần Quốc Khánh (72 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) để nghe ông kể về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam - một mốc son lịch sử của thể chế dân chủ Việt Nam.

Dân mặc áo vá đi bầu cử                                                    

“Năm 1945 khi cách mạng nổ ra, tôi còn ở Quảng Ngãi và chỉ mới 11 tuổi,  đến năm 1946 thì tôi 12 tuổi nhưng lại được tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ấy. Bởi lẽ tôi nằm trong đội thiếu nhi đi cổ động bà con toàn xã đi bầu cử, riêng tôi được phụ trách hô khẩu hiệu” - ông Trần Quốc Khánh bắt đầu câu chuyện.

 Ông Trần Quốc Khánh vẫn nhớ như in không khí hào hùng ngày bầu cử khóa I. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhớ lại không khí của ngày đầu tiên toàn thể người dân trên khắp đất nước Việt Nam được thực hiện quyền dân chủ của mình, ánh mắt ông Khánh sáng lên. “Đó thực sự là một ngày hội” - ông nói. “Ngày đó, phương tiện truyền thông đại chúng không phát triển như bây giờ; muốn người dân đi bầu cử thiếu nhi phải tập hợp lại dùng trống, dùng loa đi dọc các con đường làng để tuyên truyền, cổ động bằng miệng. Tuy vậy, khi nghe được đi bầu cử, người dân rất phấn khởi. Bởi khi ấy trong lòng họ niềm vui khi được là công dân của một nước độc lập, được thực hiện quyền bầu cử của mình theo lời kêu gọi của Bác Hồ là trên hết. Ngày bầu cử chính là ngày hội của nhân dân” - ông Khánh kể.

Cũng thời điểm đó, ông Trần Quốc Khánh được chọn là người viết giúp bà con tên của các đại biểu Quốc hội ứng cử vào phiếu bầu cử bởi rất nhiều người không biết chữ. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng với cậu bé 12 tuổi mà đến giờ ông vẫn khắc sâu: “Đến giờ tôi vẫn còn có thể đọc vanh vách từng tên đại biểu ứng cử, lúc đó có đến bảy đại biểu là người Quảng Ngãi như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duân, Lê Hồng Long, Nguyễn Quang Lược, Hà Văn Tính, Hồ Thiết, Nguyễn Trí”.

Ông Khánh cho biết: “Điều kỳ lạ nhất lúc ấy là đến 95% người dân không biết chữ nhưng ý thức công dân, trách nhiệm công dân rất cao, có đến 90% bà con đi bầu cử. Họ ăn mặc rất sạch sẽ, nhiều người mặc áo vá nhưng tươm tất và có trách nhiệm. Họ đi bầu cử rất trật tự, khi nhận lá phiếu bầu cử trên tay, họ dùng hai tay để thực hiện quyền công dân của mình bằng tất cả sự tôn trọng và trách nhiệm. Đó là điều quý nhất”.

Quốc hội khóa I làm nên nhiệm vụ lịch sử

Theo ông Khánh, thời điểm đó, đại biểu Quốc hội đều là những người tài, tham gia cách mạng, vào tù ra tội cùng với Bác Hồ; trong điều kiện chiến tranh, không có cơ sở vật chất hay chế độ lương bổng nhưng các đại biểu Quốc hội đều tận tụy vì dân, vì nước và hết sức trách nhiệm. Ấn tượng trong ông luôn là nguyên Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng - một người con của mảnh đất Quảng Ngãi mà cái tên của người, ông Khánh đã viết vào lá phiếu bầu cử không biết bao nhiêu lần.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh)

“Có thể nói Quốc hội khóa I đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, đặt nền móng cho Quốc hội những khóa sau này, khẳng định mạnh mẽ sự dân chủ và trách nhiệm của Quốc hội” - ông Khánh nói. Theo ông, QH khóa I đã lập ra Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam, chất vấn Chính Phủ những vấn đề đại sự của đất nước, thông qua Hiến Pháp, động viên, tổ chức cho nhân dân đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đó là thành công rất lớn.

“Trách nhiệm của Quốc hội lúc đó là tất cả vì kháng chiến, vì độc lập, đại biểu Quốc hội không có quyền lợi cá nhân mà vì quyền lợi vì đất nước. Để rồi tiến hành cuộc bầu cử lịch sử trong máu lửa, vượt qua bom đạn, bất chấp sự phá hoại của phản động phía Bắc và thực dân Pháp ở phía Nam. Sau đó, Quốc hội đã động viên nhân dân vượt qua ba kẻ thù gồm giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt; vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Quốc hội đã lãnh đạo và tổ chức Chính phủ đi vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và đánh Mỹ làm nên nhiệm vụ lịch sử. Từ đó, trải qua 30 năm, Quốc hội lãnh đạo toàn dân đưa ra những quyết sách rất đúng đắn, xóa được nhục mất nước và nhục làm nô lệ” - ông Khánh xúc động nhắc lại.

Với ông Trần Quốc Khánh, dù đã rời khỏi quê nhà, vào Nam nhiều năm nhưng những ký ức về một dấu son lịch sử vẫn chưa khi nào nhạt phai trong trái tim của một thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. “Như vậy, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa, khóa nào tôi cũng có mặt bằng cách này hoặc cách khác. Trải qua từng khóa, trình độ và năng lực của đại biểu Quốc hội được nâng lên nhiều, đến nay đại biểu Quốc hội đã phát huy khá tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Người dân luôn ghi nhận những gì Quốc hội đã làm được trong 70 năm qua nhưng đối với những vấn đề mà dân kiến nghị thì Quốc hội phải nghe dân để nhìn nhận lại và làm tốt hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình” - người cổ động nhắn nhủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm