Người dân được kiểm tra thân nhiệt ở cổng vào chợ Bình Điền.
Ảnh: NGUYỄN TÂN
Kiểm soát y tế hơn 30.000 lượt người/ngày
Theo ghi nhận của PV, ở các lối ra vào chợ đều có lực lượng túc trực, tất cả người dân đều phải thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt, đóng dấu “đã kiểm tra” trước khi vào bên trong.
Giữa trời nắng gắt, những tình nguyện viên mướt mồ hôi phân luồng, hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt. Anh Huỳnh Tấn Lợi (sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, một tình nguyện viên) cho biết anh trực chốt từ 6 giờ đến 14 giờ thì xong ca. “Chỉ vài tiếng trong buổi sáng, tổ của tôi đã làm thủ tục khai báo y tế cho hàng trăm lượt người vào chợ” - anh Lợi nói.
Vừa khai báo y tế xong, chị Trần Thị Ngọc Thạnh (sinh năm 1980, ngụ quận 7) cho hay chị thường xuyên vào chợ để lấy rau, củ về bán nên rất đồng tình với việc kiểm tra y tế tại đây. “Tôi thấy việc khai báo y tế, đo thân nhiệt rất tốt cho mình và những người khác, cũng không có khó khăn gì” - chị Thạnh nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại chợ, thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP về phòng chống dịch COVID-19 tại các chợ đầu mối, Ban giám đốc chợ Bình Điền đã thành lập một ban chỉ đạo phòng chống dịch.
“Từ ngày 21-5, công ty đã lập chín tổ, ba chốt kiểm soát ở các cổng ra vào chợ gồm một cổng chính, hai cổng phụ tiếp giáp khu dân cư. Các chốt này sẽ đo thân nhiệt, khai báo y tế, bắt buộc 100% người dân đeo khẩu trang trước khi vào bên trong chợ” - ông Tân nói và cho biết các chốt trực đảm bảo 24/24 giờ, được chia theo ba ca thay phiên nhau.
Theo ông Tân, mỗi ngày chợ Bình Điền đón khoảng trên 30.000 lượt người ra vào, bao gồm các thương lái, tài xế ở các địa bàn tỉnh, thành khác đến. “Đây là chợ mở, ba cổng ra vào tiếp giáp khu dân cư. Bà con ở đây đa số không sử dụng điện thoại smartphone nên phải khai báo y tế thủ công. Điều này đã gây ùn tắc giao thông vào các khung giờ “vàng” (0-3 giờ sáng - PV). Do đó, lực lượng ở các chốt phối hợp phân chia, hướng dẫn người dân tách ra thành các khu vực để khai báo, tránh tập trung đông” - ông Tân nói.
Riêng đối với các tài xế đến từ các tỉnh có vùng dịch phải có đầy đủ giấy xác nhận kiểm tra âm tính với COVID-19 mới được vào chợ. “Hàng hóa đến từ vùng có dịch phải được tiêu độc, khử trùng trước khi được đem vào chợ, đồng thời phải có giấy chứng nhận đã được khử trùng và đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Tân nhấn mạnh.
Nhiều biện pháp chống dịch mang tính đặc thù
Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết để đảm bảo công tác phòng chống dịch, chợ đã bố trí một nhà cách ly tạm thời để chờ lực lượng chuyên trách như Trung tâm Y tế quận hoặc HCDC tới kiểm tra trong trường hợp phát hiện người nghi nhiễm.
“Công ty đã xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi chợ có ca nghi nhiễm ở nhà lồng. Hiện có bảy nhà lồng, khi phát hiện ca nghi nhiễm ở nhà lồng nào thì cô lập, giữ nguyên hiện trạng hàng hóa ở đó để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời đảm bảo cho các khu vực khác ở chợ không bị gián đoạn việc giao thương, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân TP” - ông Tân tiếp lời.
Bên cạnh đó, Ban giám đốc chợ cũng tập trung tuyên truyền cho các tiểu thương, người mua bán ở chợ về việc phòng chống dịch. Ông Tân cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền qua tin nhắn đến từng chủ sạp về quy tắc 5K của Bộ Y tế. Đề nghị thương nhân thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn trước khi vào chợ, hạn chế tụ tập đông người; phát loa liên tục trên hệ thống để người dân nâng cao ý thức…”.
Kêu gọi tiểu thương cài đặt ứng dụng Bluezone Bên cạnh chợ đầu mối thì chợ truyền thống cũng là nơi tập trung đông người mua bán, đây cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu không được kiểm soát tốt. Ghi nhận tại chợ Trần Hữu Trang (phường 10, quận Phú Nhuận) sáng 13-6, đa số người dân đi chợ đều tuân thủ việc đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách. Ở các cửa vào chợ đều có lực lượng chức năng túc trực để đo thân nhiệt. Bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận, cho biết các chốt kiểm tra thân nhiệt ở chợ Trần Hữu Trang được triển khai từ ngày 26-5. Hiện UBND phường đang duy trì năm chốt kiểm soát ở các lối ra vào chợ. “Các chốt sẽ kiểm tra việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt người đi chợ, nhắc nhở tiểu thương thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế. Đây không phải là chốt phong tỏa mà chỉ kiểm soát lượng người vào chợ, đảm bảo an toàn và có phân luồng đầu vào, đầu ra” - bà Huê nói và cho hay các chốt được triển khai từ 6 giờ 30 đến 11 giờ các ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Còn tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), do ảnh hưởng của dịch nên khá nhiều sạp kinh doanh phải đóng cửa, lượng người đi chợ cũng không đông như trước. Theo ghi nhận, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đều đeo khẩu trang phòng dịch trong suốt quá trình buôn bán. Đại diện Ban quản lý chợ Bà Chiểu cho biết hiện chợ có bốn tổ an toàn COVID-19 (mỗi tổ hai người) làm nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương và người dân đảm bảo phòng dịch theo quy định. Chợ cũng lập bốn chốt kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế bằng mã QR hoặc tờ khai bằng giấy cho người dân. Ngoài ra, tại các khu vực ra vào chợ, Ban quản lý chợ đặt các băng rôn khổ lớn tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone và khai báo y tế. “Hiện 100% tiểu thương tại chợ đã cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo nguy cơ lây nhiễm” - ông Nguyễn Văn Nị, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu, nói. Chị Bùi Thị Bạch Nguyệt, tiểu thương chợ Bà Chiểu, chia sẻ: Các tiểu thương ở chợ đều chấp hành nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Trường hợp khách vào chợ không đeo khẩu trang thì chúng tôi nhắc nhở hoặc tặng khẩu trang để cùng phòng dịch. |