Hai cuộc triển lãm về Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập

Triển lãm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, gồm các nội dung chính:

Phần 1 - Mùa thu lịch sử: Trưng bày những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.

Phần 2 - Sức mạnh niềm tin: Giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự vận dụng sáng tạo cùng những bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Người dân tham quan trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2-9” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sáng 18-8. Ảnh: TTXVN

Phần 3 - Tiếp bước vinh quang: Trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân và quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những tư liệu, hiện vật quý, triển lãm còn giới thiệu nhiều câu chuyện về những con người xuất hiện, gắn bó với giờ phút lịch sử 75 năm trước. Trong đó có câu chuyện về bà Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Câu chuyện về vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là tấm gương tiêu biểu của giai cấp tư sản ủng hộ Đảng, Bác Hồ bằng cả vật chất và tinh thần.

Tại triển lãm, ban tổ chức cũng giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử cao như: Bộ sưu tập truyền đơn, báo chí phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; bộ sưu tập vũ khí thô sơ (gươm, giáo, mác, kiếm…) của nhân dân sử dụng trong ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền; bộ sưu tập sắc lệnh, văn bản của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành trong những năm đầu của chính quyền cách mạng; diễn văn khai mạc và báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Trưng bày sổ ghi chép của Bác từ Ngày Độc lập 2-9

Cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) cũng đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2-9”.

Tại đây giới thiệu hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, được lựa chọn, trưng bày thể hiện qua hai chủ đề “Sức mạnh dân tộc” và “Ngày Độc lập 2-9”.

Chủ đề “Sức mạnh dân tộc” giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu gồm các nghị quyết, chỉ thị, những sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ… thể hiện sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Chủ đề “Ngày Độc lập 2-9” giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện ngày 2-9-1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm hình ảnh, tài liệu, hiện vật về Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, quốc kỳ, quốc ca, hiến pháp, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hay còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ), tem thư… cùng ký ức, những câu chuyện kể của một số nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu đến công chúng hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2-9 đến 17-10-1945. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm