Sáng 11-10, các chiến sĩ đặc công nước của Bộ Quốc phòng bơi ra giữa dòng nước cùng với trực thăng cứu hộ đã có cuộc giải cứu nghẹt thở. Bảy thuyền viên tàu Vietship 01 và một ngư dân được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui mừng của mọi người.
Ngóng trông đất liền
Sau khi được cứu vào bờ, tám người dân đang được điều trị tại BV đa khoa tỉnh Quảng Trị. Một người bị gãy một xương sườn, còn sức khỏe các thuyền viên đang dần ổn định.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Đặng Văn Nghị (sinh năm 1987, ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), thuyền viên trên chiếc tàu, kể lại: Khoảng 4 giờ sáng 8-10, khi tàu đang neo đậu thì bị nước cuốn trôi ra bãi biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Sóng rất lớn khiến dây neo bị đứt và con tàu chìm dần vào khoảng 8 giờ sáng cùng ngày. Ban đầu, trên tàu Vietship 01 có tám người, sau tàu Vietship 12 cũng bị chìm nên có bốn người khác bơi sang. Tổng cộng trên tàu có 12 người.
“Trước đó, tôi có gọi điện thoại về cho vợ nói tình hình có vẻ không ổn rồi. Sau đó tàu bị chìm thì tất cả điện thoại của anh em trên tàu bị ngâm trong nước tắt máy, từ đó kết thúc mọi liên lạc với đất liền. Trong lòng rất lo sợ nhưng mình luôn phải giữ bình tĩnh để động viên anh em cùng cố gắng” - anh Nghị nhớ lại.
Anh Nghị cho biết khi tàu chìm, các thuyền viên mặc áo phao vào người rồi ngồi ở ống khói và một phần còn nổi của chiếc tàu để chờ lực lượng cứu hộ. Khi thấy lực lượng cứu hộ và người dân xuất hiện trên bờ thì mọi người như được tiếp thêm sức mạnh.
“Nhưng do dòng nước xoáy, thấy anh em trong bờ rất vất vả nhưng không tiếp cận được. Mỗi lúc như vậy, anh em nói với nhau là “Hôm nay sóng gió, trên bờ chưa ra cứu được thì tin tưởng ngày mai sóng gió sẽ giảm”” - anh Nghị nói.
Cũng theo anh Nghị, ở trên tàu không có thức ăn, nước uống, nhiều khi anh em khát quá đành uống nước biển để cầm chừng. “Nỗi sợ lớn nhất lúc đó là khi đêm về, trời tối om như mực, sóng biển vỗ ầm ầm, cảm thấy rất lạc lõng, chỉ mong trời mau sáng để nhìn vào đất liền, nhìn thấy mọi người để hy vọng” - anh Nghị nói.
Lực lượng trực thăng cứu hộ. Ảnh: N.DO
Anh Đặng Văn Nghị. Ảnh: N.DO
Anh Trần Xuân Cường. Ảnh: N.DO
Được hồi sinh nhờ lực lượng cứu hộ
Sau nhiều giải pháp được triển khai nhưng không khả thi, vào sáng 9-10, đội ngư dân “cảm tử” gồm bốn người lên chiếc tàu đánh cá, cố gắng vượt sóng đến ứng cứu những thuyền viên.
Một hy vọng nữa tiếp tục được nhen lên nhưng sau đó sớm dập tắt vì tàu chìm, bốn ngư dân này đều rơi xuống biển. Ba người sau đó bơi trở lại vào bờ an toàn. Còn mỗi anh Trần Xuân Cường (sinh năm 1993, ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh) ở lại trên con tàu Vietship 01 đến lúc được giải cứu.
“Khi ở trên bờ thì tinh thần bình thường vì tôi cũng tham gia ứng cứu nhiều vụ, giúp được nhiều người rồi nên tiến được bước mô thì sẽ tiến. Nhưng khi mới đáp xuống biển thì trong đầu đã xác định 50/50 rồi” - anh Cường nói.
“Đêm lạnh, gió to, hai anh em ngồi trên mũi. Sóng gió hôm qua to, nước chảy mạnh hơn, mình với anh thuyền viên ngồi đầu mũi động viên nhau, tôi nói: “Giờ vào hoàn cảnh thế này rồi thì cố gắng thôi, ông đó xin bơi vào mà em không cho vì rất nguy hiểm nên đợi đến sáng”” - anh Cường kể lại.
“Lúc trước ra ứng cứu có mang phao, khi chìm thuyền thì phao đó nổi nên mắc lại ở con tàu. Anh em cố gắng với lấy cái phao đó để dự phòng, ngồi đầu tàu lỡ anh em có rớt xuống thì vứt xuống cho anh em” - anh Cường nói.
Anh Nghị nhớ lại, đến tối 10-10, chiếc trực thăng xuất hiện, các thuyền viên rất vui mừng và xem đó như một lần được sống lại. “Sau khi cung cấp áo phao và thức ăn cho các thuyền viên, trực thăng bay đi, tôi nói với anh em: “Chắc các anh vào lấy phương tiện ra cứu hộ”. Nhưng sau không thấy đâu, anh em cũng xác định thêm một đêm rất dài” - anh Nghị kể.
Theo anh Nghị, đến sáng 11-10, một số anh em nóng ruột nên nhiều lần tính chuyện nhảy xuống biển để bơi vào. Và trực thăng lại xuất hiện trên bầu trời, bên trong các đặc công nước đang cố gắng vươn ra biển…
“Anh em lúc này coi như được sống lần nữa, từng người, từng người được đưa vào bờ” - anh Cường xúc động.
17 người chết, 13 người mất tích Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết tính đến 18 giờ ngày 11-10 đã có 17 người chết, trong đó tỉnh Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Thừa Thiên-Huế 3, Quảng Nam 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1. Ngoài ra, số người mất tích cũng tăng lên 13 người, cụ thể tỉnh Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 1, Đà Nẵng 4, Gia Lai 1. |