Miền Tây ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội

Từ 0 giờ ngày 19-7, 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo ghi nhận, người dân ở các địa phương đa phần chấp hành nghiêm việc hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người nên đường phố ở các nơi đều vắng vẻ. Việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân được chính quyền và ngành chức năng các địa phương đảm bảo.

Hàng hóa tại siêu thị và chợ truyền thống ở Bến Tre đều dồi dào,
cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Người dân chấp hành nghiêm quy định

Tại Sóc Trăng, người dân ra đường rất ít, tuy nhiên có nhiều người ở các huyện di chuyển về TP Sóc Trăng để đi làm và đi chợ. Sau khi nghe lực lượng trực chốt kiểm soát giải thích việc thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã chấp thuận quay xe về nhà.

Trước đó, chính quyền cũng đã phát phiếu đi chợ cho người dân ở TP Sóc Trăng nên không ai phải lo lắng chuyện thiếu thực phẩm. “Khi đến chợ mua đồ ăn sẽ được lực lượng chức năng đo nhiệt độ. Nếu không có việc thì không ra đường, góp phần cùng chính quyền đẩy lùi dịch COVID-19” - chị Mã Thị Tố Dung (ngụ TP Sóc Trăng) bày tỏ.

Ghi nhận ở Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, người dân đều hạn chế ra đường, các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16. Người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua thuốc, nhu yếu phẩm…

Còn tại Cần Thơ, khu vực ba quận trung tâm gồm Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng đã áp dụng Chỉ thị 16 từ trước đó bảy ngày nên hầu hết người dân ở đây đều hạn chế ra đường, các hàng quán đóng cửa, chỉ số ít quán ăn và quán cà phê mở cửa nhưng chỉ bán mang đi. Những địa phương còn lại, người dân cũng nghiêm túc chấp hành và chỉ ra đường khi có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu.

Ghi nhận trong ngày đầu giãn cách, thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn các tỉnh cơ bản đảm bảo phục vụ đủ cho nhu cầu của người dân. Ngoại trừ TP Cần Thơ cho tạm ngừng các chợ truyền thống và chợ tự phát, chỉ duy trì hoạt động các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích thì các địa phương khác hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường, giá cả ít biến động.

Tại các chợ trên địa bàn TP Bến Tre, dù được phép kinh doanh nhưng phần lớn tiểu thương đã nghỉ để phòng tránh dịch; các siêu thị trên địa bàn đảm bảo nguyên tắc về phòng tránh dịch bệnh cho người dân đến mua hàng. Với sự chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu dồi dào của các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích, ngành chức năng Bến Tre khẳng định người dân có thể yên tâm thực hiện giãn cách…

Chính quyền cam kết cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch COVID-19 để người dân tự giác chấp hành các quy định phòng chống dịch. Chợ truyền thống ở tỉnh vẫn hoạt động, tuy nhiên phải đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế, có phân luồng ngõ ra vào các chợ để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch.

Cụ thể là giảm 50% số lượng người vào chợ, phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn - lẻ, triển khai quét mã QR Code cho người dân khai báo y tế khi vào chợ…

“Tỉnh đã huy động nguồn hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm, bình ổn giá cho người dân. Các “chợ 0 đồng” cũng được thành lập phủ khắp 156 xã, phường để hỗ trợ người dân khó khăn vượt qua đại dịch. Các hành vi ghim hàng, tăng giá… sẽ bị xử lý” - chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói và cho biết tỉnh đã rà soát, lên kế hoạch hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 8.000 người bán vé số gặp khó khăn với mức hỗ trợ dự kiến 1,5 triệu đồng/người.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho hay đã chỉ đạo giám đốc Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng và Cục Quản lý thị trường tỉnh Trà Vinh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá.

Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phương án đảm bảo dự trữ các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết, đề phòng trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Trong đó có năm siêu thị, 16 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tám cửa hàng Vinmart+ bán hàng bình ổn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phân phối cũng tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu 30%-50% so với thời điểm bình thường và cam kết đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Theo ghi nhận, các địa phương đều cam kết đảm bảo bình ổn thị trường và nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đồng thời khuyến cáo người dân không mua tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm vì như vậy sẽ dễ xảy ra khan hiếm cục bộ. •

 

Giãn cách nhưng không để ai thiếu nhu yếu phẩm

Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 16 tỉnh, thành phía Nam từ 0 giờ ngày 19-7 trong thời gian 14 ngày.

Cùng với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện Chỉ thị 16, bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương chú ý đảm bảo nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người nào thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm. Đặc biệt chú ý nâng cao điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm