Ngành Y tế kêu gọi người dân TP.HCM hợp tác đẩy lùi dịch bệnh

Chiều 14-6, TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP trong thời gian qua. Nhiều vấn đề đã được báo chí đặt ra, trong đó có việc vì sao TP.HCM lại tiếp tục giãn cách xã hội thêm hai tuần.

Không ai dám nói sau hai tuần giãn cách là hết dịch

Trả lời câu hỏi về dự báo tình hình dịch bệnh sau hai tuần tới, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng không có nhà chuyên môn nào dám khẳng định là sau hai tuần giãn cách xã hội, phòng chống dịch sẽ thành công.

“Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào hai nội dung. Thứ nhất, mầm bệnh trong cộng đồng ở mức độ nào, sự lây lan, phát tán như thế nào trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Thứ hai là việc tuân thủ giãn cách có được thực hiện đúng hay không” - ông Dũng nói.

Thực hiện nghiêm chỉ thị giãn cách xã hội, các hàng quán ở TP.HCM chỉ bán mang về và đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc để phòng dịch.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Dũng, hiện nay mầm bệnh được đánh giá là đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Bằng chứng là khi tổ chức truy vết nguồn lây của các trường hợp liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục hưng thì đã “truy bắt được gần hết, trừ trường hợp không khai báo, thế nhưng sau đó vẫn xuất hiện ca nhiễm mới”.

Do vậy, việc tiếp tục giãn cách xã hội là vô cùng cần thiết, bởi vì nếu không giãn cách thì những trường hợp F0 âm thầm trong cộng đồng sẽ có điều kiện để bùng phát.

Ông lý giải thêm về thời gian hai tuần “là thời gian tối đa để một chu kỳ lây nhiễm nhân lên, phát triển qua thế hệ thứ hai, lây từ người này qua người khác”.

Với các trường hợp F0 âm thầm, không có triệu chứng thì qua 14 ngày, cơ hội để tiếp tục lây lan là rất thấp. “Hai tuần không có nghĩa là số ca bệnh giảm nhưng là thời gian vừa đủ để đánh giá tình hình dịch bệnh. Lãnh đạo TP không nói hai tuần dịch sẽ kết thúc mà mỗi tuần sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định tăng cấp hay giữ cấp, thậm chí là giảm cấp ở một số khu vực” - ông Dũng nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết gần đây xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm chưa biết được nguồn lây. Do vậy, việc giãn cách hai tuần tiếp theo là cần thiết để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm.

TP.HCM có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà

Theo ông Hưng, ngành y tế mong muốn người dân đồng lòng cùng với các lực lượng chức năng tận dụng hữu hiệu nhất thời gian giãn cách sắp tới. Trong đó cần tiếp tục thực hiện biện pháp 5K, đặc biệt mang khẩu trang, khử khuẩn tay và vệ sinh cá nhân.

Khi xuất hiện địa điểm bị phong tỏa hoặc xuất hiện ca F0, ngành y tế đều thông tin nhanh nên người dân nếu có liên quan đến các ca bệnh thì liên hệ ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn. “Trong thời gian giãn cách, người dân mắc bệnh nếu chưa cần thiết thì nên hạn chế đến các cơ sở y tế. Các công ty, xí nghiệp quản lý chặt nhân viên của mình…” - ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng khuyến cáo người dân trong hai tuần giãn cách tới đây nên hạn chế sinh hoạt, tiếp xúc với người khác, tốt nhất chỉ nên tiếp xúc với người trong nhà. Hạn chế di chuyển, nếu di chuyển, tiếp xúc thì nên ghi lại để khi cần khai báo với cơ quan y tế.

Về phương án cách ly F1 tại nhà, ông Hưng cho hay ngành y tế TP.HCM cũng đang tính đến biện pháp sử dụng công nghệ để giám sát người cách ly tại nhà nhưng không vi phạm quyền của người dân.

Tuy nhiên, có hạn chế là không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cách ly. Theo quy định của Bộ Y tế, với những người mà nơi ở không đủ điều kiện cách ly thì vẫn phải cách ly tập trung dù là F2.

Hạn chế thứ hai là cần lực lượng giám sát sự tuân thủ của người cách ly tại nhà. Quan điểm của Sở Y tế là có thể thí điểm ở một số khu vực việc cách ly F1 để nhân rộng.

Bài học từ việc 55 nhân viên y tế mắc COVID-19

Liên quan đến việc 55 nhân viên y tế ở BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM mắc COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng đó là bài học rất sâu sắc. “Từ một nhân viên của bệnh viện đã nhiễm từ cộng đồng đi vào cơ sở y tế, từ đó lây nhiễm cho đồng nghiệp bệnh viện” - ông Hưng nói.

Ngành y tế đã rút kinh nghiệm sâu sắc bài học này và luôn tuân thủ biện pháp 5K trong suốt quá trình làm việc, yêu cầu nhân viên y tế không ra ngoài sau giờ làm việc trừ trường hợp cần thiết.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết qua số liệu ban đầu cho thấy các ca mắc COVID-19 tập trung ở khối hành chính, hậu cần của BV Bệnh nhiệt đới, chứ không liên quan đến các ca bệnh nằm ở khu vực nội trú.

“Đây chỉ là số liệu ban đầu, chưa thể đánh giá hết. Đánh giá dịch xâm nhập từ bên ngoài thì chưa đủ chứng cứ. Có thể phỏng đoán như vậy thôi” - ông Dũng nói và cho biết ngành y tế đang tiếp tục đánh giá để có câu trả lời cho người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm