Sau nới lỏng giãn cách, vận tải vẫn mỗi nơi một cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, nhiều tỉnh, TP vùng ĐBSCL đã nới lỏng giãn cách. Tại một số địa phương, nhiều hoạt động kinh doanh đã được cho phép mở cửa trong điều kiện bình thường mới. Vấn đề đáng nói hiện nay là việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân giữa các tỉnh vẫn chưa có sự liên thông, thống nhất, bởi các tỉnh, TP vùng ĐBSCL hiện chỉ nới lỏng đến Chỉ thị 15.

Tài xế sang hàng tại Bến xe Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Mỗi nơi một kiểu

Mới đây, TP Cần Thơ cũng đã nới lỏng giãn cách tại 74 xã, phường, thị trấn. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, hiện nay việc vận chuyển hàng hóa vào địa bàn TP vẫn đang thực hiện theo Văn bản hướng dẫn 2597 ngày 18-9.

“Hiện nay, việc vận chuyển nội tỉnh vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Sở GTVT TP ban hành trước đó. Riêng vận tải liên tỉnh hiện vẫn chưa mở, khi nào các địa phương nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 19, hoạt động vận tải liên tỉnh phục hồi chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn tiếp theo” - ông Dũng cho biết.

Theo Văn bản 2597, tài xế và người trên xe vận chuyển hàng hóa phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, khai báo y tế theo quy định và phải có bản chính giấy xét nghiệm với virus SARS-CoV-2 trong suốt quá trình vận chuyển.

Cạnh đó, Sở GTVT TP Cần Thơ cũng bố trí 11 chốt tại các cửa ngõ vào TP để kiểm soát toàn bộ người và xe. Đối với xe quá cảnh qua địa bàn, chỉ cần cung cấp giấy tờ chứng minh nơi giao nhận hàng không nằm trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ được đi tiếp.

Đối với xe vận chuyển hàng hóa từ địa phương khác vào TP phải có giấy nhận diện, nếu sau khi quét mã thể hiện đầy đủ thông tin thì cho lưu thông. Trong trường hợp không đầy đủ thông tin, người trên xe phải xuất trình bản chính giấy xét nghiệm, giấy phép lái xe, thẻ CCCD/CMND… thì sẽ cho lưu thông qua chốt.

Riêng các xe không có giấy nhận diện hoặc có nhưng hết hạn thì lực lượng chức năng sẽ hướng dẫn đi vào khu vực kiểm tra. Sau khi bổ sung đầy đủ theo yêu cầu, các xe sẽ được lưu thông.

Tại Trà Vinh, đối với tài xế, tỉnh này yêu cầu tất cả tài xế trên địa bàn tỉnh đi ra ngoài tỉnh khi trở về phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm tra y tế có kết quả âm tính mới được phép vào tỉnh (kể cả trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn). Đối với tài xế ngoài tỉnh, ngoài các điều kiện được phép lưu thông, phải xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn thời hạn mới được phép vào địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Trong khi đó, tại Hậu Giang, kể từ ngày 17-9, địa phương này đã nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội bảy huyện, thị xã, TP, chỉ còn thị xã Long Mỹ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16. Trong văn bản hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh, xe vận chuyển từ ngoài tỉnh phải có bãi trung chuyển, tập kết lên xuống hàng. Hàng hóa phải được khử khuẩn, tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ. Trong trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa đi thẳng vào địa bàn phải có địa chỉ cụ thể, được cấp có thẩm quyền cho lưu thông, tài xế và người đi cùng không được xuống xe, giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc nơi xuất phát.

Đối với tài xế và người đi cùng vận chuyển hàng hóa nội tỉnh phải có địa điểm đã đăng ký trước, tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ. Mặt khác, phải bố trí nơi ăn, nghỉ cho các tài xế, phụ xe, đồng thời không được đi nơi khác để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Khi giao hàng phải thông báo trước cho chính quyền địa phương nơi đến biết và tài xế không được xuống xe.

Doanh nghiệp kêu khó

Theo ông Huỳnh Văn Hòa, một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ở Hậu Giang, việc bố trí điểm tập kết rất khó cho DN. Ông Hòa cho hay hiện nay, đa số tài xế và phụ xe đều được thực hiện test nhanh ba ngày/lần, do đó tình trạng sức khỏe luôn được cập nhật. Việc sang hàng tại bãi tập kết như Hậu Giang đang triển khai hiện đang là rào cản lớn đối với DN vận tải.

“Hiện Hậu Giang thực hiện Chỉ thị 15+, việc qua lại đúng ra phải dễ dàng để bà con phục hồi kinh doanh nhưng hiện nay, hầu như đến TP Vị Thanh đều phải ghé bến xe để sang hàng, rất khó khăn và tốn chi phí. Ví dụ như xe chở heo đến phường 3, chỉ còn vài cây số nữa là đến lò mổ nhưng phải tốn thêm một xe để sang hàng. Mà sang heo thì rất khó chứ đâu dễ dàng gì” - ông Hòa nói.

Một hộ dân khác ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh cho biết hiện mỗi lần bán thơm, thay vì người mua chạy đến gần nhà để lên hàng thì nay phải thuê xe để vận chuyển ra bến giao hàng, vừa tốn công vừa phát sinh chi phí.

Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, với các vấn đề trên sở đã có chỉ đạo các địa phương phải linh hoạt, không cứng nhắc. Cụ thể như đối với các hàng hóa không thể tháo lắp, hàng hóa cồng kềnh, gia súc, gia cầm… thì tài xế chủ động liên hệ với lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt để được xử lý cho đi vào tận nơi.

“Theo văn bản của UBND tỉnh, chúng tôi có đề nghị các địa phương xử lý linh hoạt các tình trạng này. Cho đến nay, mọi việc vẫn diễn ra rất nhịp nhàng, cụ thể như các xe của một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Vị Thanh vẫn được đi vào. Việc này tài xế, chủ xe nên chủ động trao đổi, trình bày với cán bộ trực chốt, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tiến hành niêm phong tạm cabin và cho đi” - ông Tân giải thích thêm.•

Đi lại liên tỉnh của người dân ở các tỉnh miền Tây
hiện ra sao?

Tại Sóc Trăng, người đến từ các khu vực có dịch, đã tiêm đủ liều vaccine, có giấy chứng nhận hoặc người khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận khỏi bệnh, ra viện khi đến Sóc Trăng phải chủ động khai báo y tế, sau đó tự theo dõi sức khỏe ở nhà/nơi lưu trú trong bảy ngày. Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, khi vào Sóc Trăng, phải khai báo y tế bắt buộc và phải cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày.

Tại TP Cần Thơ, người dân đi ra khỏi địa bàn TP hoặc đến địa bàn có nguy cơ rất cao phải có đơn gửi UBND quận, huyện để được xem xét và có ý kiến tham mưu trình chủ tịch UBND TP xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao UBND quận, huyện chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định khi người dân quay về nơi cư trú.

Đối với người nước ngoài đang ở tại TP có nhu cầu ra khỏi TP, chủ tịch UBND TP giao Sở Ngoại vụ tiếp nhận thông tin, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có ý kiến tham mưu trình chủ tịch UBND TP xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Tại Vĩnh Long, đối với người từ vùng dịch vào tỉnh Vĩnh Long (trừ trường hợp đi ngang qua và không dừng, đỗ trên địa bàn), người dân, người lao động của DN trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xin đi ra ngoài tỉnh và quay trở về phải thực hiện cách ly theo quy định của UBND tỉnh và các hướng dẫn của Sở Y tế.

Tại Trà Vinh, tất cả người dân từ ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh Trà Vinh nói chung phải được thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm tra y tế, có kết quả âm tính mới được phép vào tỉnh (kể cả trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính còn hạn). Nếu vào lưu trú tại tỉnh phải được sự chấp thuận của chủ tịch tỉnh và phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại Hậu Giang, ông Đồng Hoàng Dũng, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết trường hợp người ngoài tỉnh vào Hậu Giang hoặc người Hậu Giang ra khỏi tỉnh trở về sẽ bị cách ly riêng. Theo đó, đối với người đã tiêm hai mũi, trong đó mũi 2 từ 14 ngày trở lên thì cách ly bảy ngày, còn những người chưa tiêm hoặc chỉ mới tiêm một mũi thì bị cách ly 14 ngày.

 “Hiện nay, những người vào tỉnh được cách ly riêng thời gian là bảy hoặc 14 ngày, tùy trường hợp. Cách ly riêng nghĩa là không phải vào những khu cách ly tập trung của tỉnh, nếu có nhà ở độc lập thì có thể cách ly tại nhà dưới sự giám sát của y tế, còn trường hợp không đảm bảo theo yêu cầu thì phải cách ly tại nơi quy định như khách sạn Bông Sen…” - ông Dũng giải thích thêm. NHÓM PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm