Sẽ có 1 tấn biệt dược để sản xuất Molnupiravir tại TP.HCM

Chiều 14-12, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP.HCM với chủ đề: “TP.HCM trở lại bình thường mới hậu COVID-19: Vấn đề và Kiến nghị”.

1-tan-biet-duoc

Ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, chia sẻ tại hội nghị kiều bào. Ảnh: TTBC

Tại đây, ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, đã tiết lộ thông tin TP.HCM sẽ tiến tới nhập biệt dược từ Ấn Độ để sản xuất thuốc kháng virus trong nước.

Theo ông Châu, trong lúc khó khăn nhất, đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã giúp TP.HCM mua thuốc đặc trị COVID-19, tiêm thẳng vào tĩnh mạch cho người nhiễm bệnh. Ấn Độ cũng là nước đầu tiên gửi thẳng cho TP.HCM thuốc biệt dược giảm nồng độ virus xuống 50%.

Ông Châu bày tỏ sự vui mừng khi nhìn thấy trong túi thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM có những thuốc sản xuất tại Ấn Độ như Molnupiravir nhờ sự khuyến nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Ông Châu cũng cho biết Ấn Độ đang hợp tác với công ty dược tại TP.HCM để tiến tới nhập biệt dược từ Ấn Độ để sản xuất thuốc trong nước. Cụ thể, ngày 15-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ, tại đây sẽ tiến hành hàng loạt cuộc gặp gỡ cấp cao, có ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 doanh nghiệp, trong đó có một doanh nghiệp sản xuất dược tại TP.HCM.

Dự kiến, trong chuyến đi này, doanh nghiệp TP.HCM sẽ mang về 1 tấn nguyên liệu sản xuất dược để sản xuất Molnupiravir tại TP.HCM.

Ông Châu cho rằng ngay cả khi TP.HCM đã tiêm chủng toàn dân thì vẫn phải đề phòng và sử dụng thuốc để giảm tối đa tỉ lệ tử vong.

 

Chi phí không chính thức là rào cản đầu tư FDI

Tại hội nghị, ông Đinh Vĩnh Cường, kiều bào Nhật Bản, nhìn nhận đại dịch COVID-19 tiếp tục có những ảnh hưởng đáng kể đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam (FDI).

Theo ông Cường, FDI vào Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á, rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và EU. Bởi, chi phí không chính thức chính là rào cản, nút thắt cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư. “Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng” – ông Cường nói và cho rằng cần tháo gỡ càng sớm càng tốt bằng chuyển đổi số, cải cách hành chính, không để dòng vốn đẩy sang nước khác quanh khu vực.

Ông Cường cũng đề nghị cải tiến thủ tục cấp phép xây dựng, đơn giản hoá thủ tục hải quan. Tránh để doanh nghiệp hỏi hết một vòng lại mất 2-3 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm