Sáng 28-12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương khai mạc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị nhằm đánh giá, tổng kết một năm đã qua, nhìn lại cả chặng đường năm năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Việt Nam là nước hiếm hoi đạt tăng trưởng dương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại năm năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, cả trong và ngoài nước.
Theo Thủ tướng, sau năm năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… “Chúng ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng” - Thủ tướng nói.
Riêng năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được mục tiêu kép trong phòng, chống COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong năm năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.
Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần năm năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
“Tăng trưởng kinh tế cả nước có sự đóng góp từ tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi, đây là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm năm, hơn 8 triệu việc làm được tạo ra
Bên cạnh những thành công về kinh tế, năm năm qua Việt Nam còn đạt nhiều tiến bộ nhanh chóng về xã hội. Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng tăng lên...
Thủ tướng khẳng định bất luận trong hoàn cảnh nào, Chính phủ đều nhận diện những hạn chế, khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được bảo đảm, mặt bằng thu nhập còn thấp, khu vực doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn, sức cạnh tranh thấp, những nút thắt về hạ tầng, nguồn nhân lực…
Cạnh đó, chất lượng giáo dục, y tế nhìn chung còn nhiều bất cập và hàng loạt vấn đề sát sườn với người dân như tai nạn giao thông, cờ bạc, ma túy, ô nhiễm môi trường… “Việt Nam chưa thể trong nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực. Chúng ta cần sớm nhìn ra cơ hội khi người khác chỉ thấy rủi ro” - Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, Đảng ta đã sớm nhìn ra cơ hội này và đang chủ động đề ra chủ trương, chính sách lớn. Cả hệ thống chính trị và người dân cần nỗ lực, quyết tâm, biến cơ hội thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, chuyển nguồn lực thành kết quả, giữ sự phát triển bền vững cho đất nước.
Thủ tướng cho hay sứ mệnh của chúng ta là kiến tạo một môi trường mà ở đó mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mặc dù còn nhiều thách thức, Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% và đặt mức tăng cao hơn nữa trong các chỉ tiêu về kinh tế…
Năm nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh Theo dự thảo nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và địa phương thực hiện năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc trình Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Thứ hai, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng chính phủ số, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững. Thứ tư, khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững… Thứ năm, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. |