Tranh cãi nảy lửa về việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại

Ngày 4-11, đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Nam do ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh này làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến kiểm tra thiệt hại người dân huyện Nam Giang do nước lũ. 

 Ông Hồ Quang Bửu cũng chủ trì cuộc họp có nhiều đơn vị liên quan để lắng nghe ý kiến về việc này.

Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ về hạ du. Ảnh: HẢI HIẾU

Thủy điện nói xả lũ đúng quy trình

Tại cuộc họp, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, ngày 28-10, thủy điện Đắk Mi 4 chọn thời điểm xả lũ ngay lúc người dân còn sơ tán do bão số 9, chưa kịp về. Điều này khiến người dân không kịp dọn đồ đạc, di tản gia súc nên gây thiệt hại nặng, nhiều người trắng tay.

Ông Sơn yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho dân.

Còn ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang khẳng định thủy điện Đắk Mi 4 không thể thoái thác trách nhiệm. Nếu thủy điện không xả lũ thì không bao giờ có một lượng nước hơn 7.000m3/s xả ập xuống một lúc như vậy.

“Quy luật của lũ là lên từ từ, bà con sẽ chủ động di dời được đồ đạc ra ngoài để giảm bớt thiệt hại. Tôi sẽ không bàn chuyện quy trình mà chỉ nói rằng giờ thiệt hại của dân thì ai chịu đây? Không thể đổ lỗi cho thiên tai được" - ông Lê Văn Hường nói.

Giải thích cho vấn đề xả lũ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, khẳng định thủy điện Đắk Mi 4 đã xả lũ đúng quy trình. Lượng nước về hồ đạt gần 17.000m3/s là lịch sử và Đắk Mi 4 chỉ xả 7.000m3/s. "Thủy điện đã cắt một đợt lũ lịch sử", ông Bình nói.

Còn ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng đợt lũ vừa qua là lịch sử, việc thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ về hạ du dù khẩn cấp nhưng rất kịp thời và đã góp phần cắt lũ. Việc điều hành của thủy điện Đắk Mi 4 cũng không vi phạm, thủy điện đã tham gia cắt lũ cho hạ du, người dân cần thông cảm cho thủy điện.

Ông Mạc Vĩnh Châu, Phó phòng quản lý năng lượng Sở Công thương tỉnh Quảng Nam phát biểu, thủy điện Đắk Mi 4 đã tham gia rất tốt trong việc cắt lũ. Việc lũ về tại Nam Giang là bất khả kháng và đề nghị chính quyền tuyên truyền nói rõ cho bà con hiểu vấn đề này.

Lúc này, ông A Viết Sơn đứng dậy tranh luận: "Quy trình thì đúng mà dân thì vẫn thiệt hại, nói như vậy thì huyện sai, bà con đều sai hết?”.

Dân bị thiệt hại nặng

Còn ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nam Giang, cho biết chưa bao giờ địa phương này lại có lũ lớn như chiều 28-10. Khi thấy lũ lớn thì lãnh đạo huyện đã gọi liên tục cho tổng giám đốc công ty thủy điện Đắk Mi nhưng không được.

Trong khi đó, hệ thống loa cảnh báo dọc sông thì tê liệt. Nếu có xả lũ đúng quy trình đi nữa thì việc xả lũ này dân lãnh đủ thiệt hại.

Một nhà dân bị đổ sập hoàn hoàn, tài sản trôi gần hết tại huyện Nam Giang sau trận lũ chiều 28-10. Ảnh: HẢI HIẾU

Theo Phòng nông nghiệp huyện Nam Giang, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ đột ngột và quá lớn nên xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại rất nặng. Có 4 hộ dân nhà bị trôi hoàn toàn, 41 hộ có nhà bị hư hại từ 50-70%, 275 hộ bị đất sạt lở trôi vào nhà, 608 hộ bị ngập úng…Về cây cối hoa màu ước khoảng 365,4 ha, chủ yếu là lúa rẫy của bà con địa phương đang trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch. Thiệt hại về con vật nuôi hại khoảng 825 con gia cầm, 25 con trâu, bò và khoảng 284 con lợn.

Về giao thông, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km1535 +800 qua địa bàn huyện Nam Giang giáp với huyện Phước Sơn bị sạt lở nặng. Các tuyến giao thông từ xã Chà Val đi xã Đắc Pring, xã La Êê đi xã Chơ Chun, thôn Công Dồn đến thôn Pà Rum (xã Zuôih) bị sạt lở. Hiện các tuyến giao thông vẫn ách tắc và đang khắc phục.

Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng vì người dân ở Nam Giang nằm quá sát đập thủy điện Đắk Mi 4 nên khi xả lũ thì mực nước dâng lên nhanh. Ông Bửu cũng đề nghị chính quyền tuyên truyền cho bà con hiểu, đồng thời đề nghị phía thủy điện Đắk Mi có trách nhiệm hỗ trợ để bà con trở lại ổn định cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm