Từ 1-10, người dân TP.HCM ra đường khi không cần thiết vẫn bị xử lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã tham dự livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” để giải đáp trực tiếp những thắc mắc liên quan đến Chỉ thị của UBND TP về giai đoạn nới lỏng giãn cách từ ngày 1-10 và chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 đợt 3.

ong-vo-van-hoan

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tham dự livestream. Ảnh: TTBC

Tại livestream, trước lo lắng của người dân về kế hoạch mở cửa lâu dài của TP.HCM, "liệu TP mở hay hé, có đóng lại liền hay không" thì ông Võ Văn Hoan cho biết đây cũng là điều mà lãnh đạo TP băn khoăn.

Làm sao để không mở cửa rồi đóng lại?

Theo ông Hoan, kinh nghiệm trên thế giới có nhiều nơi sau khi nới lỏng giãn cách thì không kiểm soát được dịch nên đóng lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng hoạt động kinh tế- xã hội của quốc gia.

“Mình nới lỏng, giãn cách như thế nào là điều băn khoăn, trăn trở, được lãnh đạo TP suy nghĩ rất nhiều, đắn đo, có cân nhắc kĩ lưỡng” – ông Hoan chia sẻ.

Ông Hoan cho biết, để không dẫn đến tình trạng nới lỏng rồi phải đóng cửa lại, để làm sao cho cuộc sống của TP có những bước đi chặt chẽ, vững chắc thì đòi hỏi TP phải có những cách thức, tổ chức lại các công việc phải thực hiện.

ong-vo-van-hoan

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trả lời thắc mắc của người dân. Ảnh: TTBC

Ông nhìn nhận, TP đã trải qua 4 tháng chống dịch rất vất vả, đây là cuộc chiến mà TP đã dốc toàn lực, có quyết tâm cao để chống lại đại dịch COVID. TP cũng đón nhận sự hỗ trợ quan trọng của trung ương về con người, vật chất và những ý kiến chỉ đạo sát thực để chống dịch hiệu quả nhất.

Về phía TP, cả hệ thống chính trị vào cuộc, có quyết tâm chính trị cao, hơn hết là sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân. “Nếu như không có sự góp sức của người dân, doanh nghiệp thì khó đạt kết quả tích cực như thời gian qua” – ông Hoan nhìn nhận.

Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, lãnh đạo TP xem việc phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế là hai mặt trận của chiến dịch chống COVID-19. Trong đó, một mặt trận là bảo vệ sức khoẻ nhân dân, một mặt trận là bảo vệ sức khoẻ của nền kinh tế; hai mặt trận này hỗ trợ, tương tác nhau.

Do đó, Chỉ thị 18 của UBND TP được ban hành thể hiện được cả hai khía cạnh này, vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.

Trước lo lắng của người dân về việc ‘thuê mặt bằng đầu tư kinh doanh được vài bữa thì TP đóng cửa trở lại, gây thiệt hại’ thì ông Hoan cho biết TP cũng đã nghĩ tới những việc như vậy.

“Nhưng chúng tôi làm bằng mọi cách để tình trạng này không xảy ra. Còn nếu trong quá trình làm chúng ta không kiểm soát nổi, phải đóng lại thì phải làm thôi. Nhưng quan điểm của TP là cố gắng làm từng bước một, an toàn thì mới nới lỏng, nới lỏng tới đâu thì phụ thuộc vào sự an toàn tới đó, nên chúng ta không thể nào phòng chống dịch đi trước, sản xuất kinh tế đi sau hoặc ngược lại mà đi đồng thời cả hai mặt trận này” – ông Hoan nhấn mạnh và cho biết TP cố gắng theo mục tiêu mở tới đâu thì chắc tới đó.

TP.HCM mong muốn bà con ở lại để lao động sản xuất

Đối với mong muốn được rời TP, về quê sau khi nới lỏng giãn cách thì ông Võ Văn Hoan nhìn nhận đây là tâm trọng phổ biến của những người dân xa nhà một thời gian dài và lãnh đạo TP chia sẻ với bà con.

Theo ông Hoan, trường hợp người dân về dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine thì cũng có thể gây ra dịch bệnh ở gia đình, địa phương; dẫn đến nguy cơ gây ra quá tải cho ngành y tế địa phương, điều trị bệnh sẽ khó khăn.

Hơn nữa, thời điểm này TP khuyến khích người dân ở lại vì TP đang cần người lao động. Vừa qua TP có khó khăn nhưng giờ đã được mở rộng giãn cách để sản xuất, kinh doanh. Đây là điều kiện để người dân có việc làm, có thu nhập, chỉ cần ráng thêm vài tháng thì sẽ có thu nhập để về Tết. TP cũng đang tiến hành tiêm vaccine, chi trả các gói hỗ trợ. “TP đang làm hết sức mình và mong muốn bà con ở lại” – ông Hoan khẳng định.

Bên cạnh đó đối với các trường hợp người già không phải người lao động lên TP thăm con, phụ nữ mang thai, trẻ con lên TP nghỉ hè cần về quê đi học lại thì TP sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đưa họ về quê.

Hay các trường hợp thực sự bức bách thì TP sẽ xem xét giải quyết ngay từng trường hợp một. Số còn lại thì đăng kí với địa phương, các hội, đoàn để tổng hợp danh sách, TP sẵn sàng đưa bà con về.

Ông Hoan cho hay vừa qua TP đã có kinh nghiệm đưa khoảng 35.000 người về các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, miền Tây.

Đối với người dân TP, người lao động đang kẹt lại ở các tỉnh thì TP sẽ tạo điều kiện cho bà con trở lại để cùng TP hồi phục kinh tế. Cụ thể, cách làm là doanh nghiệp sẽ có thông tin cho những người lao động biết tin, rồi nắm chắc danh sách, tập hợp lực lượng, xác định địa điểm. Sau đó, TP sẽ cùng doanh nghiệp đưa xe xuống đón người dân trở lại TP. Riêng những người không thuộc các doanh nghiệp thì thể sử dụng những chuyến xe buýt liên tỉnh do TP tổ chức.

Ra đường không cần thiết vẫn bị xử lý

Tại livestream, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan thông tin hiện nay TP.HCM cùng với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An là bốn địa phương được xác định là “khu vực” tâm điểm dịch bệnh ở phía Nam; đây còn là trung tâm sản xuất công nghiệp của phía Nam và vùng Nam Bộ.

go-chot-chan

Lãnh đạo TP.HCM cho biết dù gỡ chốt kiểm soát nhưng vẫn có lực lượng xử lý việc ra đường không cần thiết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Do đó, TP.HCM sẽ phối hợp với các địa phương có sự thống nhất, tạo điều kiện cho người lao động đi xe hai bánh được qua lại để làm việc bình thường trên cơ sở đã được tiêm chủng vaccine, đăng kí mã QR code trên ứng dụng. Ngoài ra, giữa các địa phương còn có phương tiện khác như xe chở công nhân, xe chở chuyên gia….

Đáng chú ý, về việc lưu thông trong TP.HCM, ông Hoan cho biết kể cả nội và ngoại thành TP thì toàn bộ người dân được đi lại bình thường, không có các chốt kiểm soát mà chỉ còn duy trì các chốt ở cửa ngõ TP.

Tuy nhiên, TP sẽ có các chốt kiểm soát ngẫu nhiên trên đường để xác định người nào cần thiết ra đường thì tạo điều kiện cho đi, còn người nào không cần thiết, không có việc gì mà ra đường thì sẽ xem xét xử lý.

Do đó, người dân cần ‘thủ sẵn’ trong điện thoại mã khai báo di biến động,  thông tin tiêm vaccine để trình cho lực lượng chức năng.

3 quan điểm lớn trong Chỉ thị mới

Nói về Chỉ thị mới của UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết có ba quan điểm lớn.

Thứ nhất là sống thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch, để còn phải tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, phải lao động, học tập chứ không thể dừng lại.

Thứ hai, phải thấy rằng người dân thực sự là chủ thể của công tác phòng chống dịch, mà điều này đã được minh chứng trong thời gian qua, người dân tự bảo vệ bản thân, gia đình mà còn chung tay góp sức cùng xã hội để chống dịch.

Thứ ba, đề cao vai trò của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Bởi khi mở cửa thì người chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm trên hết, trước hết về tình hình dịch bệnh trong khu vực của mình.

“Doanh nghiệp muốn sản xuất phải có điều kiện an toàn và chịu trách nhiệm điều đó…. TP sẽ có nhiều cách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng bản thân doanh nghiệp phải cùng cộng đồng có trách nhiệm” – ông Hoan nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm