TP.HCM bỏ giấy đi đường, chốt kiểm soát ở nội đô sau 30-9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã công bố Chỉ thị mới do Chủ tịch UBND TP ký về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

kiem-soat-luu-thong-30-9

TP.HCM sẽ bỏ các chốt kiểm soát nội đô, chỉ duy trì chốt ở cửa ngõ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Lê Hòa Bình, chỉ thị mới này hướng đến việc đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới. “Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết tinh thần không phải ngay sau 30-9 trên toàn địa bàn TP tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết. “Người dân không được ra đường số lượng lớn ngay một lúc mà phải tính toán” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh.

Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.

“Sau ngày 30-9, chúng ta sẽ thấy không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP.HCM vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn” - ông Bình nói và cho biết TP cũng sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân.

Riêng vấn đề kiểm soát lưu thông trên đường đã được Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, giải đáp kỹ lưỡng.

Theo Đại tá Quang, TP.HCM không sử dụng giấy đi đường mà thực hiện kiểm soát khác tạo điều kiện cho người dân lưu thông thuận lợi, không cần giấy tờ do các cơ quan cung cấp.

“Công an TP sẽ duy trì 12 chốt kiểm soát chính giáp ranh các tỉnh và 39 chốt phụ của quận, huyện cũng giáp ranh với các tỉnh, như vậy tổng cộng 51 chốt kiểm soát ra vào TP” – Đại tá Quang nói và khẳng định tất cả chốt nội đô sẽ được tạm dỡ bỏ.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn phải kiểm soát việc ra đường của người dân khi TP bước sang trạng thái bình thường mới, với tinh thần đảm bảo sức khoẻ người dân là trên hết, tạo được ý thức tham gia giao thông an toàn cho người dân.

“Công an TP sẽ tăng cường kiểm soát đột xuất trên đường một cách ngẫu nhiên 24/24 giờ” – Phó Giám đốc Công an TP thông tin. Ông cho biết Công an TP đã có phương án thành lập các tổ kiểm soát đột xuất nhằm kiểm tra việc khai báo y tế trên app VNIED, Y tế HCM cho đến khi thống nhất dùng chung app PC COVID.

Ngoài ra người dân cũng cần thêm hai loại giấy tờ gồm giấy chứng nhận tiêm chủng ít nhất 1 mũi trên 14 ngày, chứng nhận F0 khỏi bệnh 180 ngày.

“Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất, cả dùng ứng dụng công nghệ và cách thủ công nhất để tránh ùn ứ khi lưu thông” – ông Quang nói và thông tin Công an TP cũng sẽ có thể thành lập một số chốt lưu động tuỳ tình hình để kiểm tra, kèm với test nhanh y tế nếu cần thiết.

Công an TP cũng sẽ có lực lượng liên ngành tham gia kiểm tra các cơ quan, đơn vị dán mã QR code để kiểm tra dịch tễ của người dân đến giao dịch.

Phó Giám đốc Công an TP cũng nhấn mạnh về việc đi lại giữa các tỉnh. Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người dân không được tự ý về các tỉnh, nếu người dân kéo về 51 chốt kiểm soát ở cửa ngõ thì sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển, lưu thông, cung ứng hàng hoá; từ đó ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân TP, lực lượng chức năng cũng gặp áp lực.

“Công an TP sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp muốn thông chốt, vì trên thực tế có trường hợp bằng cách này cách kia muốn đi qua chốt. TP cũng phối hợp với công an các tỉnh giáp ranh, nếu có vi phạm thì các tỉnh sẽ xử lý”- ông nói và cho hay nếu người dân cố tình đi về các tỉnh làm lây lan dịch bệnh thì có thể bị xử lý hình sự, hành chính và cách ly y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm