Thủ Đức: Ăn Tết không lo triều ngập

Người dân ở các phường Trường Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông, quận Thủ Đức đã thoát khỏi cảnh thủy triều lên cao, gây ngập lụt vì đã có đội vận hành công trình chống ngập (cống ngăn triều) Gò Dưa làm việc ngày đêm.

Yên tâm ăn Tết rồi!

Nhớ lại những lần thủy triều dâng cao, anh Nguyễn Văn Hậu, phường Trường Thọ chia sẻ: “Lúc chưa có cống ngăn triều, người dân ở đây cực lắm. Tôi nhớ mãi lần thủy triều lên bất ngờ vào dịp Tết, lúc đó đang ăn cơm thì phải chạy nước ngập. Muốn mời khách đến chơi nhưng cũng ngại. Bây giờ thì yên tâm rồi, nước có lên cũng đỡ run vì đã có đơn vị vận hành cống lo”.

Cùng trong khu vực, nhà vườn Bonsai Chú Thòng, phường Linh Đông không ít lần ngậm ngùi vì thủy triều. “Làm nghề nông luôn trông chờ vào thời tiết. Nhà vườn trồng mai mà gặp trúng đợt triều cường thì cây ngập, nở hoa sớm hết coi như mất trắng. Năm nay thì vui rồi!” - chủ vườn cho biết.

Anh Nguyễn Văn Sang, phường Hiệp Bình Chánh tỏ ra thích thú vì đất khu vực này có giá hẳn lên kể từ khi có công trình trên. “Nước không vào nhà, tài sản không hư hỏng, đi học, đi làm thuận tiện hơn nhiều cũng nhờ công trình chống ngập. Mong rằng TP đầu tư nhiều công trình như vậy hơn nữa thì đỡ cho dân lắm” - anh Sang vui vẻ nói.

Công trình cống ngăn triều ở chân cầu Gò Dưa. Ảnh: THÁI NGUYÊN

Đảm bảo trực chống ngập xuyên Tết

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, phường Hiệp Bình Chánh, công trình cống ngăn triều vận hành khá phức tạp nhưng cũng nhờ có nó mà người dân trong khu vực không phải chịu cảnh ngập úng bất ngờ từ thủy triều nữa. “Chúng tôi rất cảm ơn đơn vị vận hành đã làm việc ngày đêm vì người dân” - anh Hùng nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xự, Giám đốc Xí nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi Thủ Đức, thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM, cho biết: “Công trình vận hành chống ngập là đơn vị hoạt động công ích, giúp đỡ cho người dân không phải chịu cảnh ngập lụt nữa. Trước đó, khi chưa có công trình này, TP chỉ có biện pháp là xây đê bao ngăn triều. Tuy nhiên, tình trạng vỡ đê thường xuyên xảy ra mà chi phí hoạt động thì rất lớn. Do vậy, cống ngăn triều được xây dựng để thay thế cho hệ thống đê bao và đến nay chưa xảy ra tình trạng thủy triều dâng cao”.

Theo ông Xự, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng lớn, quá trình đô thị hóa nhanh, công ty đã cho xây dựng nhiều cống ngăn triều lớn tại các cửa ngõ ở sông Sài Gòn như cầu Gò Dưa, rạch Thủ Đức, rạch Ông Dầu, rạch Đúc, cầu Đúc Nhỏ và bảy cống ngăn triều tự động dọc theo sông Sài Gòn.

Để chủ động ứng phó với sự thay đổi thất thường của thủy triều, xí nghiệp phải căn cứ vào các thông báo về phòng, chống lụt bão từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, từ đó đưa ra phương án kịp thời. Xí nghiệp cũng đã cử lực lượng túc trực thường xuyên. Một tháng sẽ có hai đợt nước dâng cao vào khoảng ngày 29 đến mùng 3 âm lịch, đợt thứ hai vào khoảng ngày 14 đến 16 âm lịch. Thời gian vận hành công trình hằng tháng khoảng 20 ngày. Trong quá trình vận hành, xí nghiệp sẽ thông báo ở cửa sông Sài Gòn, tránh tình trạng các tàu thuyền đi vào khu vực này.

Ông Xự chia sẻ: “Tết đúng vào ngày nước cao khiến chúng tôi lo lắng gấp bội. Để bà con ăn Tết yên vui, ấm áp, công ty đã cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó, phối hợp nhiều máy bơm để bơm nước ra, tránh tình trạng nước dâng cao. Công ty sẽ bố trí cho nhân viên nghỉ lễ trước Tết và sau Tết sao cho phù hợp”.

Anh Đinh Ngọc Cường, nhân viên vận hành cống ngăn triều, quê ở tận Đắk Lắk. Năm nay anh cũng phải ứng trực tại công trình. Anh vui vẻ nói: “Tuy thời gian gò bó và phụ thuộc vào thời tiết nhưng được đem lại cái Tết vui vẻ cho mọi người tôi cũng mừng rồi. Không có cống ngăn triều, khi nước lên bờ bao có thể bị vỡ, nước tràn vào thì nhà dân sẽ bị hư hại nhiều lắm. Chúng tôi có lần đi hỗ trợ mọi người mà hư cả điện thoại luôn. Giờ có cống rồi, chúng tôi chỉ cần canh giờ và vận hành đúng thời điểm là ổn hết”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm