Áo dài giữa đời thường. Ảnh minh họa
Với chủ đề TP.HCM - Thành phố áo dài, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 20-3 tại nhiều địa điểm như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Công viên tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, Nhà văn hóa Sinh viên TP.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết lễ hội được tổ chức với mục đích tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lễ hội là một hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng như nhằm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến TP.HCM.
Năm nay lễ hội với nhiều hoạt động đa dạng nhằm tôn vinh tà áo dài. Cụ thể từ ngày 1 đến 31-3, TP.HCM vận động người dân TP mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường gồm đi làm, đi dạo phố, đi dự lễ tiệc… Hành trình Thành phố áo dài - Thành phố tôi yêu từ Nhà văn hóa Sinh viên đến các di tích văn hóa, lịch sử dành cho sinh viên mặc áo dài, di chuyển bằng xe đạp, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân TP Chung tay vì môi trường du lịch vào các ngày Chủ nhật 13-3 và 20-3.
Các hoạt động chủ đề Lịch sử áo dài như nói chuyện chuyên đề về áo dài của các nhà nghiên cứu; tổ chức hội chợ áo dài với các hoạt động triển lãm và trao đổi, mua bán các phụ kiện. Các hoạt động lễ hội chủ đề Bạn và áo dài gồm hội thi Duyên dáng áo dài; hội thi kết hoa trên áo dài và biểu diễn áo dài hoa do các nhà tạo mẫu hoa Việt Nam và quốc tế thiết kế do Tổ chức InterFlora Pacific lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây sẽ là sân chơi giao lưu hấp dẫn của các nhà thiết kế hoa quốc tế.
Đặc biệt là hoạt động mua sắm dành cho du khách thông qua hình thức vận động các nhà may, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại: Giảm giá may áo dài cho du khách, may áo dài lấy ngay trong thời gian lễ hội, giảm giá bán vải áo dài, các phụ kiện và trang sức đi cùng với áo dài…