Thu ‘phí chia tay’ 5 USD: Đề xuất quá lạ!

Ngày 12-6, đại diện nhiều công ty du học, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng đề xuất “phí chia tay” 3-5 USD mà đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đưa ra tại Quốc hội là đề xuất phản cảm, tác động đến đối tượng lao động nghèo và du học sinh. Cả hai đối tượng này hiện chiếm khá đông trong tỉ lệ người Việt xuất ngoại.

Phí chồng phí với lao động nghèo

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại TP.HCM cho biết người lao động trước khi xuất ngoại đã chịu nhiều chi phí như phí môi giới, học nghề, học tiếng và mục đích cao nhất của họ là tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập. Đề xuất thu phí họ khác nào phí chồng phí.

Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ngoài nước, thẳng thắn nêu quan điểm: Đối với du học sinh còn phụ thuộc gia đình, thậm chí có nhiều em phải vay mượn để đi học, cớ sao lại bắt các em đóng loại phí này? Còn với đối tượng xuất khẩu lao động đa phần là hộ nghèo, cận nghèo, chi phí học tiếng, nghề, định hướng… trước khi xuất cảnh hầu như đều vay mượn từ ngân hàng, người thân. Thêm nữa, yêu cầu đóng trước khi xuất cảnh trong khi họ chưa đi làm để có tiền là rất bất hợp lý.

Theo bà Cúc, người xuất khẩu lao động sau thời gian làm việc mới có thể trang trải chi phí, trả nợ, sau đó mới dành dụm gửi tiền về hỗ trợ gia đình.

Lẽ ra nên khuyến khích họ thay vì tính toán kiểu “tận thu” sẽ tạo hiệu ứng không tốt đối với lao động nghèo, cận nghèo đi làm việc ở các nước mang ngoại tệ, kiến thức, kỹ năng về phục vụ đất nước.

Đồng quan điểm, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), với tư cách cá nhân cho rằng đề xuất phí này là không cần thiết bởi người lao động trước khi xuất ngoại đã đóng các loại phí môi giới, đóng vào quỹ hỗ trợ việc làm nước ngoài rồi. Như vậy trong trường hợp người lao động có gặp rủi ro, bệnh tật thì họ đã được hỗ trợ một phần. Chưa kể đây là bộ phận lao động khó kiếm việc làm trong nước nên phải ra nước ngoài bươn chải kiếm việc, cải thiện thu nhập. Khoản “phí chia tay” 3-5 USD tuy không lớn nhưng cũng là gánh nặng cho người lao động.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở các nước mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước lại là đối tượng trong tầm ngắm phải đóng “phí chia tay”. Ảnh: P.ĐIỀN

Tính căn cơ thay vì “tận thu” 3-5 USD

Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc điều hành một công ty du học tại TP.HCM đánh giá đây là đề xuất rất thiếu cơ sở. Ngay cả tên gọi “phí chia tay” cũng rất khôi hài, không hiểu vị đại biểu kia tham vấn ở đâu, lấy cơ sở nào để thu, thu rồi ai quản, rồi có cải thiện được tốt hơn các khâu thủ tục xuất nhập cảnh không. Rất có thể nó làm xấu hình ảnh đất nước, tạo tiền lệ cho những đề xuất tương tự vấp phải phản ứng không tốt từ xã hội.

Thay vì được hỗ trợ thì lại phải đóng phí

Hằng năm có khoảng 140.000 lao động đi các nước làm việc, họ là lực lượng lao động mang ngoại tệ về cho đất nước, lẽ ra phải hỗ trợ tối đa cho họ chứ sao lại bắt họ trả “phí chia tay”? Chưa kể, người lao động trước khi xuất cảnh đã đóng vào quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước như một loại hình bảo hiểm khi họ gặp tai nạn lao động, đau ốm, bệnh tật… 

Theo vị này, việc đề xuất các phương thức quản trị phù hợp sẽ giúp đất nước phát triển, kinh tế hùng mạnh, trong đó du học là một chính sách được Đài Loan, Singapore khuyến khích từ vài chục năm nay để tăng thêm đội ngũ trí thức, thu hút nhân tài từ các nước. Các quốc gia luôn khuyến khích và có chính sách hỗ trợ tối đa để có nhiều người đi ra các nước học hỏi kiến thức, kỹ năng, tiến bộ khoa học quay về phục vụ đất nước thì tại sao lại bắt họ phải bỏ thêm 3-5 USD cho cái gọi là “phí chia tay”, vì thực tế họ sau đó vẫn quay về quê hương. “Tóm lại, hãy tính toán căn cơ hơn thay vì tận thu 3-5 USD” - vị này nói.

Người đề xuất “phí chia tay” nói gì?

Thực sự mong muốn chính của tôi là đưa đề xuất này vào Luật Xuất nhập cảnh, không chỉ quy định về xuất nhập cảnh của công dân qua biên giới mà còn phải nói rõ hơn những trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và của các cơ quan liên quan ở cả nước ngoài. Khi người Việt Nam (VN) ra nước ngoài cũng phải có sự bảo hộ, hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.

Khi làm các thủ tục ở cửa khẩu xuất nhập cảnh thì chúng ta cũng cần phải có những sự hỗ trợ khoa học công nghệ cũng như các thủ tục để công dân xuất nhập cảnh được thuận lợi nhất, văn minh, lịch sự, đặc biệt có được cái nhanh, thuận tiện.

(…) Thực ra đây là một khoản theo tôi nghĩ không nhiều, rất không nhiều. Một bữa ăn sáng thôi! Chúng ta gọi là đóng góp, chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người văn hóa VN được tốt hơn và để cho giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của VN thuận lợi hơn rất nhiều. Đó là mong muốn của chúng tôi và đề xuất ý tưởng như thế.

Còn câu từ, cách thức như thế nào thì cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu làm sao cho thuận tiện nhất. Hướng tới là làm sao công dân VN khi xuất nhập cảnh được thuận lợi, khi ra nước ngoài được bảo vệ.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN QUỐC HƯNG

CHÂN LUẬN - VIẾT LONG ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm