Sáng 10/1/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những điểm đáng chú ý trong quy hoạch kho số viễn thông, một vấn đề nóng đang được dư luận rất quan tâm, và đang có nhiều thông tin chưa thực sự chính xác.
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 22 về quy hoạch kho số viễn thông. Tại sao cần phải ban hành quy hoạch này và dựa trên căn cứ nào để đưa ra quy hoạch, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Như chúng ta biết, năm 2009, Quốc hội thông qua Luật Viễn thông, có hiệu lực từ ngày 1/6/2010.
Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 để hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, trong đó quy định rõ kho số là tài nguyên viễn thông quốc gia, giao Bộ TT&TT phải xây dựng và ban hành quy hoạch kho số viễn thông theo hướng bảo đảm cho quản lý sử dụng tài nguyên viễn thông, trong đó có kho số viễn thông làm sao được hiệu quả nhất, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh: B.M.
Về lý do phải ban hành quy hoạch này, thì thứ nhất, quy hoạch kho số viễn thông, đặc biệt là mã vùng, mã mạng đã tồn tại cách đây hơn 50 năm, từ khi có ngành viễn thông Việt Nam. Đến năm 2008, chúng ta có điều chỉnh một chút là thêm đầu mạng có 3 chữ số. Còn về cơ bản các quy hoạch về mã vùng, mã mạng đã tồn tại 50 năm nay, không thay đổi.
Cách đây 15 năm, hầu như dịch vụ thông tin di động còn rất hạn chế. Số người sử dụng dịch vụ thông tin di động rất thấp, có thể tính chỉ có vài triệu người, còn số người sử dụng dịch vụ điện thoại cố định lên đến hàng chục triệu người.
Nhưng 15 năm qua, bức tranh đã thay đổi rất nhanh chóng. Về mặt công nghệ thì dịch vụ điện thoại cố định ngày càng giảm, và dịch vụ di động ngày càng phát triển. Hiện nay cả nước có gần 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó khoảng gần 133 thuê bao điện thoại di động.
Trong khi đầu mã để dùng cho quy hoạch mã vùng và mã mạng chỉ có 9 đầu mã (từ đầu 1 đến đầu 9), trong đó 7 mã đã sử dụng cho điện thoại cố định, 2 mã là đầu 9 và đầu 1 dùng cho điện thoại di động. Dẫn đến bất cập là số mã mạng rất ít trong khi số thuê bao điện thoại di động lại rất lớn. Số thuê bao cố định rất ít nhưng lại được sử dụng số mã mạng rất nhiều. Đấy là bất cập rất cơ bản.
Để giải quyết bất cập ấy, trong năm 2008, chúng ta đã phải có giải pháp tình thế, là bắt buộc phải thêm mã mạng có độ dài là 3 chữ số, dẫn đến việc bây giờ có thuê bao 10 số, có thuê bao11 số. Nếu chúng ta tiếp tục để tình trạng này diễn ra thì ngày càng bất cập, vì số thuê bao điện thoại cố định trong trong 1 vài năm tới thậm chí có thể giảm xuống còn một vài triệu thuê bao, còn số thuê bao di động ngày càng tăng.
Đặc biệt, hiện nay chúng ta biết kết nối di động không chỉ giữa người với người, mà cả giữa người với máy, máy với máy. Theo dự đoán của các tổ chức thế giới thì đến năm 2050, trên thế giới có khoảng 50 tỷ kết nối. Nếu chúng ta không có quy hoạch các đầu số di động thì sẽ không đủ để kết nối. Bây giờ tất cả các thiết bị trong nhà, từ bếp điện, máy giặt… trong xu hướng hình thành công nghệ nhà thông minh đều có khả năng kết nối, thì với đầu số di động hiện nay không thể bảo đảm kết nối giữa người với người, chưa nói là kết nối giữa máy với máy trong tương lai.
Để bảo đảm sự phát triển công nghệ trong thời gian dài khoảng 30 – 50 năm tới thì chúng ta phải quy hoạch, tổ chức lại để số lượng mã mạng dùng cho di động tăng lên, đáp ứng nhu cầu kết nối giữa người với người, máy với máy, còn đầu số dùng cho mã vùng phục vụ cho điện thoại cố định giảm đi, phù hợp với xu hướng các thuê bao, dịch vụ điện thoại cố định ngày càng giảm.
Như vậy, tác động thực sự rất hạn chế. Không phải như các báo nói là ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng. Thực tế phần lớn các máy điện thoại cố định được sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không phải bất kỳ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng gọi đường dài. Trong một năm, số lượng cuộc gọi đường dài cũng hạn chế.
Giờ khi gọi đường dài, người ta chủ yếu gọi bằng di động, sử dụng môi trường Internet, các dịch vụ OTT… . Nên lưu lượng và doanh thu điện thoại cố định để dùng gọi đầu mã vùng rất ít. Khi có thay đổi, sắp xếp bố trí lại mã số thì tất nhiên có ảnh hưởng nhưng tác động rất nhỏ. Đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, còn người dùng cá nhân giờ rất ít người dùng điện thoại cố định để gọi đường dài.
Việc đổi mã vùng chúng tôi dự kiến sẽ làm trong nhiều giai đoạn, theo từng khu vực, mỗi khu vực có thể kéo dài nhiều tháng, như vậy có thể hàng năm sau mới thực hiện xong phần đổi mã vùng.
Sau khi xong mã vùng rồi thì mới dư ra các đầu mã vùng để dùng cho các mạng di động, và chúng tôi mới xây dựng tiếp kế hoạch chuyển đổi các thuê bao 11 số thành thuê bao 10 số. Việc triển khai sẽ trong thời gian rất dài. Để thực hiện từng nội dung thì sẽ có kế hoạch cụ thể và nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lộ trình cụ thể để thực hiện, bảo đảm có thời gian thay đổi các số thuê bao, các mối quan hệ, liên hệ với các đối tác khác. Sẽ có lộ trình từng bước, đổi mã vùng khu vực nào trước, khu vực nào sau, thời gian bao lâu, để đảm bảo tác động ít nhất đến người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị nếu có tác động đến họ.
Có một lợi ích rất lâu dài của việc quy hoạch mã vùng, đó là để phù hợp công nghệ. Thực bỏ mã vùng hoặc giảm số mã vùng xuống cũng được, nhưng khi đó thì giá cước cuộc gọi sẽ cao, người nghèo trong vùng không thể gọi được giá cao như vậy. Việc chia nhỏ thành vùng là để bảo đảm cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể gọi nội hạt trong vùng với giá thấp nhất.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ (chẳng hạn, môi trường Internet thì cả thế giới là một vùng, hoặc với điện thoại di động thì cả nước là một vùng) và với hiện trạng giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm, thì cần quy hoạch để giảm số vùng. Hiện có 63 vùng điện thoại cố định. Nhưng với quy hoạch mới thì sẽ sắp xếp lại số vùng theo địa bàn hành chính, ví dụ các tỉnh Tây Bắc đều bắt đầu bằng mã vùng 20, 21… Trong tương lai gần sẽ chỉ còn 10 vùng. Lâu dài hơn nữa thì cả Việt Nam sẽ chỉ còn 1 vùng.