Thủ tướng được áp dụng các biện pháp của tình trạng khẩn cấp để chống dịch

Một trong những điểm nổi bật, điểm mới trong Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc chiều nay, 28-7 là Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, trong Nghị quyết, Quốc hội trân trọng sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tinh thần tự giác, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và sự đoàn kết, chia sẻ, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường… Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương bám sát thực tế, chủ động điều hành ngân sách linh hoạt để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19… Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua. Đồng thời, Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm nhiều biện pháp cấp bách.

Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

Cụ thể là quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết

Tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc cũng như các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, như: Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

Chính phủ được phép ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Chính phủ cũng được phép ban hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật trong thời gian Quốc hội không họp sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.