Thủ tướng Hun Sen và dấu ấn 38 năm lãnh đạo Campuchia

(PLO)- Sau hơn 38 năm lãnh đạo Campuchia, Thủ tướng Hun Sen để lại một di sản đối nội và đối ngoại to lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào ngày 22-8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ chính thức rời chức vụ lãnh đạo đất nước chùa tháp này, chuyển giao vị trí thủ tướng cho con trai là Đại tướng Hun Manet. Quyết định của ông Hun Sen vừa thể hiện ý nghĩa “tre già măng mọc” vừa minh chứng sự vững chắc của di sản ông gầy dựng trong gần bốn thập niên qua cho sự phát triển và ổn định của Campuchia.

Ông Hun Sen nói rằng tính từ ngày 14-1-1985 đến 22-8-2023, ông đã giữ cương vị thủ tướng Campuchia 38 năm, bảy tháng và tám ngày. Đây có thể xem là những con số biết nói và thể hiện dấu ấn đậm nét của ông Hun Sen trong nền chính trị Campuchia, trong lòng người dân xứ chùa tháp và trên trường quốc tế. Di sản to lớn của ông Hun Sen với hòa bình, sự phát triển và hội nhập của Campuchia sẽ là kim chỉ nam cho thế hệ lãnh đạo trẻ quốc gia Đông Nam Á này.

Thành tựu đối nội

Trả lời phỏng vấn kênh Phoenix TV (Hong Kong) tháng 7 vừa rồi, ông Hun Sen nhắc đến ba thành tựu chính của ông trong gần bốn thập niên lãnh đạo Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại buổi vận động tranh cử ở thủ đô Phnom Penh hồi tháng 7-2023. Ảnh: HENG SINITH/AP

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại buổi vận động tranh cử ở thủ đô Phnom Penh
hồi tháng 7-2023. Ảnh: HENG SINITH/AP

Thứ nhất, ông Hun Sen là người đã kiến tạo nền hòa bình hoàn toàn cho Campuchia sau nhiều thập niên bị giằng xé trong nội chiến, mở đường cho sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sau 500 năm.

“Thủ tướng Hun Sen có đóng góp to lớn tới ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế và giảm tỉ lệ đói nghèo ở Campuchia” - tờ East Asia Forum.

Thủ tướng Hun Sen có vai trò vô cùng to lớn đối với hòa bình, ổn định và phát triển của Campuchia ngày nay. Ông Hun Sen là người có công lớn trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của bè lũ Pol Pot. Tháng 6-1977, ông Hun Sen sang Việt Nam đề nghị nước ta giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, ông Hun Sen đã đưa Campuchia thoát khỏi bờ vực diệt chủng, mở ra trang sử mới cho quốc gia Đông Nam Á này.

Hơn ai hết, ông Hun Sen hiểu rõ giá trị của hai từ “hòa bình”. Ông từng khẳng định hòa bình đem đến “cơ hội vàng” cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của người dân Campuchia trong 44 năm qua. “Hòa bình, ổn định chính trị và an ninh đóng vai trò là nền tảng cho sự phát triển và cuộc sống hài hòa của người dân” - tờ Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen.

Thành tựu đối nội thứ hai được ông Hun Sen nhắc đến là ông đã chỉ đạo cải cách kinh tế - xã hội, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa đất nước từ con số 0 sau nội chiến và nạn diệt chủng sang phát triển.

Dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, Campuchia đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong hai thập niên qua, tăng trưởng GDP hằng năm của Campuchia duy trì mức trung bình 7%. Từ một nước có thu nhập thấp, Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2015, theo xếp hạng của WB. Campuchia đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050, theo tờ Khmer Times.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của WB năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của Campuchia giảm đáng kể, từ 33,8% năm 2009 xuống còn 17,8% trong giai đoạn 2019-2020. “Vài năm trước, chúng tôi có tỉ lệ nghèo đói rất cao nhưng giờ đây chúng tôi là quốc gia xuất khẩu gạo và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới” - tờ Khmer Times dẫn lời ông Hun Sen nói vào năm 2019.

Một thành tựu quan trọng nữa là ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia chiến thắng đại dịch COVID-19, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và sự phát triển đất nước nhờ các chính sách đúng đắn, trong đó có cung cấp vaccine miễn phí cho người dân.

Hình ảnh, uy tín Campuchia trên trường quốc tế

Ông Hun Sen có vai trò to lớn trong việc phá vỡ thế bị bao vây, cấm vận, đưa Campuchia hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều nước và tổ chức trong khu vực và thế giới. Theo một bài viết vào năm 2015 trên tờ East Asia Forum, các mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của Thủ tướng Hun Sen là “duy trì hòa bình và an ninh quốc gia, tiếp tục phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hình ảnh và uy tín của Campuchia”.

Thành tựu nổi bật của Campuchia trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế là việc quốc gia này gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 30-4-1999. Cựu Đại sứ kiêm Trưởng phái đoàn thường trực Campuchia tại ASEAN Norng Sakal ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của ông Hun Sen trong việc đưa Campuchia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN, theo tờ Khmer Times.

“Sự kiện này giúp đất nước xây dựng các mối quan hệ thực chất với các đối tác nước ngoài và các đối tác đối thoại khác, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế của Campuchia, đồng thời giúp duy trì hòa bình và an ninh bền vững”, theo ông Norng Sakal.

Ngày nay, Campuchia đã trở thành một quốc gia với sự hội nhập sâu rộng, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Campuchia hiện là thành viên của nhiều liên kết đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Campuchia cũng đóng vai trò là người xây dựng lòng tin và kiến tạo hòa bình, như trong quan hệ Nga - Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc, theo tờ Khmer Times. Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, Campuchia tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy hòa bình và ổn định thế giới. Từ năm 2006 đến nay, Campuchia đã triển khai 8.951 quân nhân đi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tại một số nước châu Phi, theo Tân Hoa Xã.

Tờ Khmer Times nhận định ông Hun Sen đã đưa Campuchia - đất nước có vị trí chiến lược quan trọng tại Đông Nam Á thành một cường quốc nhỏ vừa phải, có tiếng nói đặc biệt trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Các dấu mốc sự nghiệp Thủ tướng Hun Sen

Ông Hun Sen sinh ngày 5-8-1952 tại xã Peam Koh Sna, huyện Stoeng T’rang, tỉnh Kampong Cham (Campuchia). Ông Hun Sen có bằng cử nhân chính trị tại Campuchia và bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia tại Hà Nội vào năm 1991. Ông còn nhận nhiều bằng tiến sĩ danh dự tại một số trường đại học trên thế giới.

Năm 1979, ông Hun Sen giữ chức bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi mới 27 tuổi. Giai đoạn 1981-1985, ông được bổ nhiệm giữ vai trò phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức phó thủ tướng).

Ngày 14-1-1985, ông Hun Sen trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới ở tuổi 32, sau khi được Quốc hội Campuchia nhất trí bầu làm người kế nhiệm ông Chan Sy - người qua đời lúc đang đương nhiệm vào tháng 12-1984. Bên cạnh vai trò thủ tướng, ông Hun Sen kiêm cả chức vụ bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1985 đến 1991.

Dù không còn làm thủ tướng nhưng ông Hun Sen vẫn sẽ tiếp tục tham gia lãnh đạo đất nước Campuchia trên cương vị chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia, chủ tịch Hội đồng Tối cao của quốc vương, chủ tịch Thượng viện Campuchia sau cuộc bầu cử vào tháng 2-2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm